Dột nát, xập xệ…
Xuôi theo những khu phố sầm uất, chúng tôi đến khu tạm cư của những người dân bị giải tỏa vào ở tạm tại phường An Lợi Đông (quận 2). Những căn nhà cấp 4 xây dựng tạm bợ gần 15 năm qua đã xuống cấp nghiêm trọng. Mái tôn rỉ sét. Tường mốc, nhiều nơi lún, nứt, thấm nước và bám đầy rêu phong. Trong một số căn phòng, xi mặng, gạch lát bị vỡ, bong tróc… nên nhiều người dân đã dọn đi.
Hơn 10 năm qua, hàng chục hộ dân khiếu kiện tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã sinh sống ở đây trong thời gian chờ giải quyết. Hiện nay, khu nhà tạm cư chỉ còn khoảng 10 hộ dân quyết bám trụ vì chưa biết đi đâu về đâu dù công trình quá xập xệ, dột nát, không đảm bảo điều kiện sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Hường đang sống trong khu tạm cư cho hay trước kia gia đình bà có 3 căn nhà cấp mặt tiền ở số 512/52K đường Trần Não (quận 2) nhưng sau khi nhà đất bị thu hồi chỉ được bồi thường hỗ trợ 291 triệu đồng. Không có tiêu chuẩn tái định cư, bà gửi đơn khiếu kiện khắp nơi nên mới được bố trí vào sống ở khu tạm cư.
“Buổi trưa ngồi trong nhà nóng hầm hập như cái lò bánh mì. Mưa xuống là trong nhà ướt nhẹp như ngoài sân. Gia đình tôi có 16 nhân khẩu mấy năm đầu phải chui rúc trong 3 phòng, tối ngủ như xếp cá hộp, không còn không gian để thở. Có hôm nóng quá mấy đứa nhỏ vác chiếu ra ngoài ngủ. Sau này, nhiều gia đình bỏ đi chúng tôi mới được bố trí thêm vài phòng nữa cho đỡ chật chôi nhưng không biết bị đuổi đi lúc nào”, bà Hường cho hay.
Tuyến đường Lương Định Của chạy qua khu đô thị Thủ Thiêm, hai bên đường ngổn ngang gạch vữa và những ngôi nhà nứt nẻ, loang lổ còn sót lại như vừa trải qua một trận bom. Đây là nơi ở của các hộ dân kiên quyết không di dời vì cho rằng nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch của dự án.
Chị Nguyễn Thị Nhã Khánh (nhà số A2/8B, đường Liên Phường, phường Bình An) cho biết trước đây khu vực này có đầy đủ trường học, trạm y tế, điện, nước... nhưng mấy năm trước đã bị đập bỏ nên cuộc sống những người còn ở lại gặp nhiều khó khăn. Nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, xây dựng. Mưa xuống thì cả phố bị ngập. Những hôm trời nắng thì oi bức. “Ở trong nhà mình mà không được quyền xây dựng hay sửa chữa thì khác gì đi ở trọ”, chị Khánh nói.
Vượt qua những đám ruộng đầy cỏ lau và những ngôi nhà bị đập phá, chúng tôi tìm đến căn nhà một trệt, một lầu của ông Huỳnh Văn Lực (SN 1928, là cựu chiến binh, 70 năm tuổi Đảng) ở số B3/15 bis KP 1, tổ 16, (phường Bình An).
Trên chiếc giường ọp ẹp, bà Nguyễn Thị Giáp đang múc từng muỗng cháo đút cho chồng (ông Lực) bị bệnh tai biến, liệt cả hai chân. Bà cho hay hai vợ chồng chỉ có duy nhất một đứa con trai nhưng không may qua đời trong một tai nạn giao thông, chỉ còn lại hai vợ chồng già yếu sống thui thủi trong căn nhà xập xệ, xuống cấp, mùa nắng thì nóng bức, mưa xuống là ngập lụt nhưng nhiều năm qua không được sửa chữa, xây cất lại vì thuộc diện giải tỏa thu hồi đất.
“Tôi đi thăm một số hộ dân tạm cư, có gặp bà Nguyễn Thị Giáp, hộ ông Nguyễn Văn Lực với 75 năm tuổi Đảng nhưng ở nhà lụp xụp, tường mốc hết cả… Thấy những người giống như cha mẹ mình mà cảnh sống như thế, tôi đau lắm chứ!
Tôi cũng có ghé nhà chị Minh, 61 tuổi, có tật ở chân vẫn phải đi làm tự nuôi sống mình. Hay nhà ông Hải thương binh 4/4, là sĩ quan bộ đội đặc công, có mẹ là mẹ Việt Nam anh hùng, cha liệt sĩ, có ba người em liệt sĩ (6 liệt sĩ trong nhà). Họ không tiếc xương máu, che chở cán bộ, theo Đảng…
Thành ủy mời bà con vào khu tái định cư ở và bảo đảm sẽ không lừa gạt bà con, vào khu tái định cư ở chỉ là tạm thời để đời sống đỡ khổ hơn khu tạm cư… Việc này là Thành ủy chúng tôi muốn hết sức hỗ trợ bà con, với mong muốn bà con sống tốt hơn hiện tại để chờ giải quyết”
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 ngày 20/6.
30/58 trường hợp đồng ý nhận căn hộ
Chiều muộn 2/7, làm việc với UBND TPHCM, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết có 106 hộ dân đang sử dụng 140 căn hộ tạm cư tại khu tạm cư An Lợi Đông và khu tạm cư 1 ha Thủ Thiêm. Theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM, UBND quận 2 đã tiếp xúc, vận động 58 hộ dân và đến nay đã có 30 hộ đồng ý nhận căn hộ chung cư.
“Sau khi các hộ dân đồng ý và chọn căn hộ, UBND quận tiến hành bàn giao căn hộ theo quy định, đồng thời hỗ trợ nhân công, phương tiện di chuyển đồ đạc của hộ dân và lập thủ tục thu hồi căn hộ tạm cư. Đến nay đã có 13 hộ dân bàn giao căn hộ tạm cư”, ông Hưng cho hay.
Lãnh đạo UBND quận cho biết có 28/58 trường hợp qua tiếp xúc với chính quyền địa phương, người dân vẫn chưa đồng ý bởi nhiều lý do như yêu cầu giải quyết căn hộ quá tiêu chuẩn 17 m2/người và còn khiếu nại việc bồi thường nhà đất… UBND quận đang tiếp tục vận động, thuyết phục các hộ dân. Đối với 50 hộ dân còn lại, UBND quận tiếp tục thực hiện theo kế hoạch và phấn đấu giải quyết dứt điểm trong tháng 7/2018.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nêu rõ việc bố trí người dân từ các khu nhà tạm cư xập xệ, xuống cấp vào các căn hộ chung cư tiện nghi, đầy đủ công năng, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân là chính sách nhân văn, thể hiện trách nhiệm chăm lo của chính quyền địa phương đối với đời sống người dân sau giải tỏa. Vừa qua, Thành ủy TPHCM đã thống nhất bố trí căn hộ xóa tạm cư cho người dân Thủ Thiêm theo tiêu chuẩn 17 m2/người.
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chậm nhất là đến 15/7 phải có kết luận về dự án Khu đô thị Thủ Thiêm. Vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng đã tiếp xúc người dân. Vấn đề pháp lý dự án vẫn chờ kết luận của Thanh tra chính phủ chứ không xí xóa. Sau này Thanh tra đã kết luận, những trường hợp nhận căn hộ chung cư ở tạm nếu có nguyện vọng sinh sống lâu dài, UBND thành phố sẽ giải quyết thấu tình, đạt lý. Trường hợp nào không đủ điều kiện tái định cư thì TPHCM vẫn xem xét theo hướng cho người dân thuê, thuê mua...
“Phải kiên trì vận động để người dân đồng thuận. Nơi ở, công ăn việc làm của người dân phải bố trí phù hợp để người dân an tâm. Cái gì tốt có thể làm được cho dân thì cố gắng làm”- Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.