>> Nhật kêu gọi quốc tế hỗ trợ chống rò rỉ phóng xạ
Một ngày trước, Cty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, thông báo hàm lượng phóng xạ trong nước ngầm ở độ sâu 15m vượt 10.000 lần, nhưng ngày 1-4 nói rằng, có sai sót trong tính toán con số này.
Dân cư ở khu vực bán kính 20km quanh nhà máy đã được di tản hết. “Khi người dân quay lại khu vực này, các thử nghiệm sẽ được tiến hành để đảm bảo an toàn”, Masato Ishikawa, quan chức phụ trách vệ sinh và an toàn thực phẩm của tỉnh Fukushima, nói.
NISA hôm 1-4 cảnh báo TEPCO về thực trạng quản lý phơi nhiễm phóng xạ của công nhân tại nhà máy sau khi phát hiện dụng cụ đo liều lượng phóng xạ không đủ cho tất cả công nhân. Một số công nhân phải dùng chung máy đo phóng xạ, vì nhiều máy đo đã bị phá hỏng sau trận động đất và sóng thần hôm 11-3.
Theo số liệu của NISA, 21 công nhân đã phơi nhiễm mức phóng xạ vượt quá 100 millisievert. Công nhân ở nhà máy hạt nhân thường được phép phơi nhiễm mức phóng xạ tối đa 100 millisievert. Nhưng giới hạn này được tăng lên 250 millisievert trong trường hợp tại nhà máy Fukushima.
Ông Katsunobu Sakurai, Thị trưởng thành phố Minamisoma nằm trong bán kính 20-30 km tính từ nhà máy Fukushima thuộc tỉnh Fukushima (nơi người dân được chính phủ cảnh báo nên ở trong nhà để tránh nhiễm xạ), mới đây lên tiếng chỉ trích chỉ dẫn đó là “thiếu công bằng”.
Ông nói rằng, chỉ dẫn của chính phủ khiến cuộc sống của người dân nơi đây cực kỳ khó khăn. “Ngay cả các tình nguyện viên phân phát hàng tiếp tế cũng không còn cách nào khác ngoài việc liều lĩnh thâm nhập thành phố. Người dân nơi đây đang bị ép đến mức chết đói”, ông Sakurai nói.
Một chiến dịch tìm kiếm tăng cường kéo dài 3 ngày bắt đầu hôm qua với sự tham gia của 100 trực thăng, 50 tàu thủy, khoảng 18.000 lính Nhật Bản và 7.000 lính Mỹ nhằm tìm kiếm các nạn nhân động đất, sóng thần mất tích. Tính đến ngày 1-4, ít nhất 11.587 người chết và 16.451 người mất tích.
Thái An
Theo Kyodo