Triển lãm khai mạc vào chiều ngày 1/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mang tên “Tâm truyền”. Đây là sự kết hợp trưng bày tác phẩm hội họa của hai họa sỹ, một già, một trẻ, một người thiên về đề tài phố thị, một người rặt màu quê.
Triển lãm là sự ấp ủ từ lâu của họa sỹ Nguyễn Ngọc Dân, anh muốn được làm triển lãm chung với người thầy dạy anh những nét vẽ đầu tiên, họa sỹ Trần Văn Trù. Anh cho biết: “Thầy tôi xuất thân từ giáo viên, tự học vẽ, rồi mở lớp dạy vẽ cho học trò. Thầy sống gần với bà con nông thôn, sống ẩn mình với thiên nhiên. Còn tôi chiềng mặt ra ngoài đường, ngoài chợ, ngoài cột điện…”.
Phố dây: Vừa hư, vừa thực
Chủ đạo ở “Tâm truyền” là tranh của họa sỹ Trần Văn Trù, đẹp trong lành với cỏ cây hoa lá và hình ảnh thôn quê, khoảng trên dưới 60 bức, đây là thành tựu suốt mấy chục năm âm thầm sáng tác của người họa sỹ già. Điểm xuyết trong hơi thở hiền lành của Trần Văn Trù là tranh của Nguyễn Ngọc Dân, nổi bật đến mức giật mình với những dây điện, loa đài. 7 bức tranh dây điện với những mảng màu, ý tưởng khác nhau được đặt tên chung Phố “dây” đánh số La Mã từ I đến VII.
“Thầy tôi xuất thân từ giáo viên, tự học vẽ, rồi mở lớp dạy vẽ cho học trò. Thầy sống gần với bà con nông thôn, sống ẩn mình với thiên nhiên. Còn tôi chiềng mặt ra ngoài đường, ngoài chợ, ngoài cột điện…”.
Họa sỹ Nguyễn Ngọc Dân
Ý tưởng vẽ dây điện đến với Nguyễn Ngọc Dân từ nhiều năm trước trong những lần anh đi dạo đường phố dừng ở ngã ba, ngã tư đèn xanh, đèn đỏ nhìn lên khoảng không thấy chẳng chịt dây điện. Anh tâm sự: “Hình ảnh dây điện vừa hiện thực, vừa trừu tượng”. Từ đó, anh lên ý tưởng và bắt đầu ký họa, rồi hai năm sau chuyển sang vẽ sơn dầu và chất liệu khác về dây điện.
Từ một đề tài khô khốc, nghiêng theo lối biểu hiện, Nguyễn Ngọc Dân đã thổi vào hơi thở mới, khiến chúng nên thơ và sinh động. Ngắm tranh của anh người ta có cảm giác vừa hư, vừa thực. Vẫn là mảng dây điện loằng ngoằng bề bộn, một khoảng không phố thị vào tranh Dân bỗng trở nên hấp dẫn, có hồn, không thể không thốt lên: “Đẹp và độc”. “Ở dưới cột điện con người càng đông đúc bao nhiêu thì mảng dây điện trên đầu càng loằng ngoằng bấy nhiêu”, họa sỹ nói. Cho nên những mảng dây điện loằng ngoằng rồi sẽ là ký ức về một thời phố thị mà Nguyễn Ngọc Dân đã nhạy cảm ghi lại.
Để thành danh, Nguyễn Ngọc Dân trải qua nhiều chông gai trong hành trình nghệ thuật song anh cảm thấy mình “là kẻ may mắn”: “Tôi chưa bao giờ phải vẽ quảng cáo, chưa bao giờ phải vẽ tranh hàng chợ, chưa bao giờ phải vẽ thuê cho ai. Đến bây giờ người ta thích tranh của tôi thì người ta đến mua thôi”. Anh cũng không đặt ra một giá tranh nhất định vì “tranh là sản phẩm mang tính tinh thần”. Anh bật mí rằng, tranh dây điện của anh có không ít người mua, thường là người ngoại quốc, gần đây có cả khách hàng người Việt: “Treo bức dây điện cũng là mang phố về nhà”.
Trải qua mười năm say đắm cùng dây điện, Nguyễn Ngọc Dân đã có những cuộc chuyển mình trong sáng tạo: “Mới đầu dây điện sơ khai, càng ngày càng rắc rối, phức tạp, loằng ngoằng, tôi cũng vẽ tối giản hơn, bộc lộ nhiều cảm xúc tâm trạng hơn”. Hỏi Nguyễn Ngọc Dân tâm đắc bức tranh nào nhất trong 7 bức phố “dây”. Anh cười: “Bức nào tôi cũng tâm đắc. Tôi đã ký vào tranh là tôi có trách nhiệm về nó”. Anh cũng chưa biết sau “Tâm truyền” anh còn tiếp tục nguồn mạch dây điện hay không: “Hãy để thời gian trả lời. Tôi thích sự tự nhiên. Đành rằng ai cũng có kế hoạch nhưng trong cuộc sống và trong nghệ thuật không biết trước điều gì”. Cũng như anh không thể lí giải vì sao lại yêu dây điện.
Chịu chơi, chịu chi
Dân “dây điện” là “gã” chịu chơi và hết mình trong mỗi cuộc chơi. Anh đã từng làm 7-8 cuộc triển lãm cá nhân, khoảng 3-4 cuộc triển lãm chung. Trong cuộc chơi sắp đặt cột điện, loa đài, “gã” mạnh tay chi đến tiền tỉ, trong đó riêng vụ làm giấy mời không giống ai bằng con sứ điện đã ngốn của “gã” tới 60 triệu đồng. Không định làm giấy mời khác người để xác lập kỉ lục, Nguyễn Ngọc Dân chỉ muốn “đã chơi phải chơi đến cùng”, hết mình trong từng chi tiết.
Với triển lãm “Tâm truyền” lần này, Nguyễn Ngọc Dân mang tâm trạng hồi hộp và vinh dự vì được triển lãm với người thầy đầu tiên của mình. Tự anh hì hụi chuẩn bị thuê địa điểm, làm khung tranh, trưng bày tranh…để đến ngày khai mạc sẽ đưa thầy giáo của anh từ quê lên dự. Nhân dịp này, anh cũng làm sách cho thầy, một cuốn sách ghi lại hành trình sáng tạo nghệ thuật của họa sỹ Trần Văn Trù dày hơn 200 trang tặng không cho những khán giả tới dự lễ khai mạc.