ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục những năm qua khi tìm cách đổi mới theo tinh thần nghị quyết TƯ và nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, ông cho hay, thực tế xã hội và người dân vẫn không yên tâm và chưa hài lòng về ngành. Theo ông, đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới công tác quản lý, đào tạo giáo viên, chất lượng đội ngũ, đổi mới SGK và cuối cùng mới là công tác thi cử.
“Giáo dục hiện nay hình như có một số khâu đi ngược quy trình. Ngành giáo dục nhiều năm qua cứ loay hoay với việc đổi mới thi cử, điều này là cần thiết nhưng vô tình tiếp tục đẩy phụ huynh và học sinh củng cố tâm lý và mục tiêu học để thi; tư tưởng vì bằng cấp mà không hướng tới thương thảo, thương nghiệp”, ông Thưởng cho biết đồng thời băn khoăn phải chăng đây là một trong nhiều lý do làm giáo dục không còn thời gian thực hiện đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông.
Một vấn đề cũng được ông nêu ra là lãng phí trong giáo dục hiện nay vô cùng lớn, cả vô hình và hữu hình.
Tình trạng học sinh tốt nghiệp THPT cứ ào ạt vào đại học rồi trường đại học "mọc ra như nấm sau mưa" đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ngành giáo dục.
“Lấy phép tính 1 sinh viên sau 4 năm học tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, trong đó rất nhiều sinh viên phải vay ngân hàng. Khi ra trường rất ít người kiếm được việc làm, chủ yếu gia nhập "đội quân thất nghiệp" hoặc phải đi học nghề hoặc làm việc khác, thật lãng phí vô cùng”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cao Đình Thưởng phân tích.
ĐBQH Cao Đình Thưởng cũng cho rằng việc liên tục chỉnh lý bổ sung SGK khiến "học sinh chỉ dùng SGK 1 năm là bỏ, em không học được của anh". Từ đó, ĐBQH Cao Đình Thưởng đề xuất nên đảm bảo kiến thức cơ bản và ổn định chu kỳ 5 năm. Nếu làm được sẽ tiết kiệm cho người dân một khoản tiền rất lớn. “Việc mặc đồng phục quanh năm cũng rất vô lý trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Phải chăng chỉ mặc vào thứ 2 chào cờ, còn những ngày khác để học sinh mặc tự do”, ông Thưởng nói.
Nói về vấn đề lạm thu trường học, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng đây là vấn đề rất nhức nhối. “Ngoài một số nơi bắt các em phải đóng từ 9 -16 triệu hoặc đóng cả tiền xây dựng nông thôn mới thì nhiều địa phương yêu cầu học sinh đóng quỹ đóng góp tự nguyện gấp 2-2,5 lần tiền học phí”, ĐB Cầu dẫn chứng.
Ông Cầu đánh giá, nạn lạm thu đã xảy ra từ nhiều năm trước và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Người dân ca thán rằng sao lĩnh vực giáo dục lại hay thêm đến thế, dạy thêm, học thêm, thu thêm và nay tôi lại lo ngại tình trạng lãng phí thêm”, ĐB phát biểu.
Trong khi đó ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) dành nhiều trăn trở trước thực trạng thất nghiệp, song đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu. Theo ĐBQH, khi con, cháu đỗ đại học, nhiều gia đình đầu tư cả gia sản, bán cả ruộng vườn mà cả đời mình lao động cực nhọc tích góp được để vun vén cho con ăn học. Để rồi sau bao năm đèn sách với nhiều kỳ vọng, con, cháu họ khi ra trường vác bằng đại học đi xin việc khắp nơi nhưng không một ai đón nhận.
“Đây quả là một sự hẫng hụt lớn. Trên một số trang mạng, có những sinh viên do phẫn uất đã tự tay đốt bằng đại học để đi làm một việc khác, công việc mà không cần phải học hành nhiều cũng làm được, đó là chạy xe ôm”, ĐBQH tỉnh Cà Mau trăn trở.