Đàn bà yếu đuối

Đàn bà yếu đuối
TP - Phượng hai tay bê bát cháo cho chồng. Anh ăn đi anh, cháo ngon lắm đấy. Cháo hoa mà, em ninh cả buổi sáng dưới vườn hoa. Có đậu xanh, có gạo nếp, gạo tẻ, đun cùng với một chút nước luộc đùi gà thôi. Anh thương em, anh phải cố ăn đi. Anh ơi, ngồi dậy nhé.

Mà thôi, chẳng cần ngồi dậy, để em lấy thìa bón cho anh ăn cũng được. Cố một tẹo anh ạ. Phượng cúi sát đầu vào thổi cháo phù phù. Mớ tóc đen láy ở đằng trước xõa xuống, một vài sợi tóc còn cắm xuống bát cháo. Phụng khó nhọc quay đầu lại nhìn vợ, trong lòng thấy xót xa, thương yêu và cảm ơn vô tận. Giường bệnh bên cạnh, một bà cỡ lưng lưng tuổi, to béo quay sang cười tít mắt. Gớm chưa kìa, đúng là vợ chồng mới cưới như trái cau non ấy. Kiểu này mà nhanh khỏi ốm thì “chết” với nhau. Cả mấy giường dưới cùng của khu điều trị hóa chất tích cực bệnh nhân K cười rần rần. Phụng xấu hổ, húp suỵt suỵt thìa cháo. Bác cứ nói thế, bệnh tật như thế này, còn làm được đếch gì. Thêm mệt. Hai vợ chồng nhìn nhau cười cười. Mặt Phượng cúi càng gần bát cháo. Một giọt nước mắt trắng tinh rơi xuống xác đậu xanh nóng hôi hổi.

Một buổi chiều Phụng đang ở cửa hàng xe máy thì kêu đau đầu quá, trong người còn có cảm giác hơi gây gây sốt. Anh bảo vợ cứ ở lại trông cửa hàng, mình anh đi xe về nhà nằm trước. Phượng ở lại trông hàng được khoảng mười phút thấy sốt ruột quá cũng đóng cửa hàng rồi đi bộ về nhà. Cho chồng uống tạm hai viên Panadol thì Phụng đỡ, tối vẫn ăn cơm vợ nấu ngon lành. Nhưng chiều sau, chiều sau nữa vẫn trong tình trạng tương tự. Phượng lo, bắt chồng đi khám. Bệnh viện huyện chuyển ngay lên tỉnh. Bệnh viện tỉnh xét nghiệm lâm sàng, ngay đêm hôm đó cho xe chuyển gấp anh lên tuyến trên. Ra Hà Nội ba ngày, anh biết rõ tình trạng bệnh tật của mình. Phượng khóc suốt tháng sau đó. Rồi vào khu điều trị hóa chất đặc biệt, rồi quen với cách gọi trong bệnh viện, rồi chứng kiến những hoàn cảnh như mình, giống mình, còn nặng nề, đau đớn hơn mình. Vợ chồng Phụng cũng quen đi. Phụng buồn một thì thương vợ mười. Hai vợ chồng mới cưới được hơn hai năm. Con gái hãy còn bé quá. Phụng hãy còn trẻ quá.

Mà hoàn cảnh gia đình anh lại cũng khá đặc biệt. Anh là con trai cả trong nhà và cũng là người nối dõi duy nhất của dòng họ Đặng. Mẹ anh mất khi anh mới chừng mười lăm mười sáu tuổi. Thể trạng bà yếu đến nỗi sinh ra anh thì chẳng còn nhiều hơi sức mà sống. Cha anh lấy vợ mới, người đàn bà này lại không biết sinh con trai. Mà cũng chỉ được duy nhất mụn con gái. Tính tình người đàn bà này vốn đã khó khăn, xét nét, mưu lợi lại càng thêm tính toán. Bà chưa bao giờ coi anh là con, anh cũng không gọi bà được một tiếng hoàn hảo. Rồi thì vợ anh, nếu rủi anh có chuyện gì, sẽ sống như thế nào trong căn nhà đó? Cha anh hiền lành và nhu nhược. Mà cả đời ông, thực chất hình như cũng không quan tâm đặc biệt đến cái gì. Kể từ khi mẹ anh mất đi, ông sống khép kín và buồn như mảnh đất vườn nhà được rào dậu kín đáo. Một cơn gió nhẹ cũng làm những chiếc lá giật mình run rẩy. Xong lại thôi, xong lại đóng cửa vườn lại. Nếu ông bà nội anh không giục, nếu không nhìn thằng con tộc ngộc đang tuổi ăn tuổi lớn lóng ngóng đâm cả đầu mũi kim dài vào tay bấy máu thì ông đã không lấy vợ. Lấy dì anh vào rồi, tưởng thêm người thêm tiếng. Nhưng cha anh còn lặng lẽ hơn cả cái lá trong vườn. Hình như gió bây giờ cũng chẳng làm cha anh lay động. Họa chăng phải có giọt mưa lớn, ném thẳng lên mặt lá, rũ rượi mặt lá. Việc nhà do một tay dì anh cai quản. Mấy đám đất, mấy mảnh vườn, dì anh tự tay cày xới. Anh cũng chẳng màng. Chỉ cần có một chỗ yên ấm cho anh đi về, nhìn thấy đứa con gái nhỏ, nhìn thấy Phượng lũi cũi hàng ngày. Thế là ổn. Anh cũng chẳng cần gì hơn mà cũng chẳng kiếm tìm gì hơn. Anh thấy mình hạnh phúc hơn một người đàn ông. Như thế là đủ trân trọng.

Trưa nay nóng quá, em nấu chè đỗ xanh quấy thêm một thìa sắn dây cho anh ăn anh ạ. Bác sỹ bảo cái này mát, ăn nhiều một chút tránh táo bón mà cũng tốt nữa. Cả buổi trưa đấy anh ạ, cơ bản là nấu lâu cho đậu nó nhừ. Em để nguội rồi lại bón cho anh ăn nhé. Hôm nay anh khỏe, tự ăn được mà. Nhiều thế này, em ăn một nửa đi. Em có bệnh gì mà phải ăn. Cái này để lại, gửi tủ lạnh của viện, chiều chiều anh ăn. Thôi thôi, chiều ăn cái khác, ăn nhiều thế ngán. Em ăn ngay đi. Giường bên cạnh, bà béo sồn sồn lại quay mặt đi mắt rưng rưng. Một đôi vợ chồng trẻ yêu thương tội nghiệp. Cũng chả còn bao nhiêu....

Cha Phụng năm nay bảy mươi tuổi, ông già quá để có thể lên thăm anh. Tuổi bảy mươi với ông chỉ mong đếm từng ngày. Ông ít đi ra ngoài đến nỗi hàng xóm thấy anh đều hỏi han. Ngôi nhà thì lặng lẽ, chỉ khi nào dì anh ở nhà mới có tiếng người. Có thể vì thế mà anh cảm ơn dì anh. Dù bà làm rất nhiều chuyện không đúng, cay nghiệt với anh suốt những năm tháng tuổi thơ và ngay cả khi anh đã có gia đình riêng. Bà hoàn toàn không muốn thu vén lại cho căn nhà bà đang ở. Vì người đàn ông bên cạnh bà quá tạm bợ hay vì bà cũng có con cái, cũng có những mối lo sau này? Có thể như vậy. Cũng có thể bà cảm thấy lạnh lẽo nên bà cần một cảm giác an toàn hơn, sở hữu hơn, từ bất cứ thứ gì trong cái nhà này. Và biến nó thành của bà. Ngoại trừ cha của anh. Bà đã bất lực ngay từ lúc nhìn cái cách người đàn ông nhìn bà. Thật xa lạ. Nhưng bà chấp nhận và hy vọng. Rồi bà thất vọng nhưng nhẫn nại. Khi cảm giác xa lạ là hàng ngày thì cảm giác an toàn cũng tăng lên. Cùng với của cải, cùng với suy nghĩ tất cả là của bà… Nhưng chỉ cần giữ được cho ngôi nhà tiếng người, thì anh vẫn cảm ơn bà. Miễn sao ngoài cây cối, ngoài ban thờ, ngoài hình ảnh của mẹ anh kết thúc vào những năm anh ít tuổi. Cha anh vẫn nhận ra rằng ông đang sống. Và mọi người cũng đang sống. Thế là được. Anh có làm gì hơn được đâu. Chưa kể, anh đã lấy đi niềm vui sướng nhất đời của cha, chưa kể anh lại là nỗi đau hàng ngày của ông…

Phượng khóc dấm dứt dưới vườn hoa, kẹp đầu vào gốc cây mà khóc. Bác sỹ điều trị của Phụng mới gọi Phượng vào thông báo, tình hình yên ổn như thế này của Phụng giống như một cái “bọc” thôi. Nếu cái “bọc” ấy vỡ thì nên biết trước nguy cơ. Phụng vẫn còn chống chọi được vì anh còn tuổi trẻ, còn có sức khỏe, còn ăn được. Nhưng tế bào của Phụng, không hiểu sao truyền hóa chất lại có nguy cơ tăng lên. Mà phác đồ nào bác sỹ cũng đã phải “cho anh thử” nhưng đều không hiệu quả. Anh là một “trường hợp thất bại”, bác sỹ đã khẳng định như thế. Phần còn lại là việc của Phượng. Thời gian còn lại là của Phượng. Phượng phải đối mặt với điều đó như một thực tế mà Phượng lờ mờ, không dám hiểu hoặc chưa hiểu hết. Hai bàn tay Phượng cào vỏ cây đến bật máu, làm dập vỡ cả vỏ cây non... Hai bàn tay nào kìm tay Phượng lại, nhấc hai bàn tay, rồi cả người Phượng khỏi gốc cây. Là một anh chàng bảo vệ trẻ măng, bảo vệ của viện hay đứng ở cửa kiểm soát người nhà bệnh nhân ra vào viện. Phượng ngả vào người anh ta, như một ngọn cây bị phạt lìa không biết rơi xuống đâu.

* *

*

Chiều nay bệnh viện ầm ĩ quá. Phụng không tìm thấy vợ đâu cả. Sao Phượng đi lâu thế nhỉ? Dạo này Phượng hay đi ra ngoài rất lâu. Khi Phượng về, lúc thì cầm theo vài loại thức ăn gì đấy, khi thì là rất nhiều hoa quả. Phượng bảo, mua về cho chồng ăn nhiều cho mau lại sức. Phụng chỉ thấy sốt ruột khi không có vợ ở bên. Bệnh phòng ảm đạm, sức khỏe lại không ổn định, Phụng lúc nào cũng muốn vợ ở bên cạnh. Thậm chí, đôi lúc Phụng không muốn vợ đi đâu cả, kể cả đi chợ. Cứ ngồi đó cho Phụng nhìn cũng được. Hoặc để Phụng biết vợ đang thở, đang cười nói đằng sau lưng. Phụng sợ, Phụng sợ không được nhìn thấy vợ, cứ thế mà ngủ đi, cứ thế mà mê, cứ thế mà không kịp nhìn lại Phượng. Không kịp nói với vợ một câu gì cả. Hoặc có thể anh đang bị ốm nên có lúc yếu đuối, có lúc cũng cần dựa dẫm vào một chỗ tốt hơn anh. Chính Phụng đã cấm mình nghĩ về những điều như thế. Không đáng mặt đàn ông. Nhưng Phụng không ngăn được mình. Có Phượng ở bên rõ ràng anh vui sướng hơn nhiều. Anh trách thầm vợ chẳng tinh ý tẹo nào. Nhưng mỗi lần nhìn thấy vợ đi như chạy, anh lại thôi. Rồi Phượng lại ân cần quá, Phượng nịnh khéo quá, Phụng lại nghĩ mình đúng là cả nghĩ…

Từ ngày Phụng đi viện tính đến giờ là gần hai tháng. Phụng cảm giác sốt ruột vô cùng. Anh luôn luôn cảm thấy nếu vắng mặt anh, có chuyện gì đó trong nhà không ổn đang diễn ra. Nhưng là chuyện gì thì anh không hình dung được. Anh cũng không dám suy đoán. Anh hỏi Phượng và dì anh. Họ đều bảo ở nhà bình thường. Như thói quen, cha anh chẳng mấy khi nói chuyện với ai, kể cả anh. Anh hy vọng mọi việc vẫn ổn. Chỉ Phượng biết là mọi thứ ở nhà đang rối tung lên. Bố chồng Phượng ốm nặng, mẹ chồng Phượng đang toan tính những điều không có lợi đòi hỏi Phượng cũng phải quyết định.

Có những tiếng xì xào của người nhà bệnh nhân. Thực ra họ đã vài lần bắt gặp Phượng kín đáo vào nhà nghỉ cùng anh chàng bảo vệ. Họ chỉ buồn cho Phụng. Nhất là vào thời điểm như bây giờ. Bà béo lưng lưng tuổi nghẹn ngào. Mẹ cha con vợ. Hay ít ra thì nó đợi thằng chồng nó “đi hẳn” đi. Phí công thằng chồng phồng má trợn mắt ra ăn.

Phụng muốn cáu vợ quá, gót chân mấy lần đung đưa đá phải cái chậu nhựa để dưới gầm giường. Tắm gì mà lâu thế không biết? Có thành tiên được đâu? Làm đỏm ở nhà tắm chắc? Chẳng biết sốt ruột gì cả. Cứ hơn hớn lên được ấy. Đi viện rồi thì sướng… đến muốn tắm. Làm như tắm thì sạch sẽ lên được cả. Rồi thì làm như chẳng ai biết cả đấy. Tắm táp thơm da thơm thịt rồi đú sướng lên. Nước mắt Phụng muốn trào ra. Phụng dứt dây truyền xông xông muốn đi ra ngoài. Nhưng chân Phụng yếu quá, đầu gối Phụng run quá, Phụng khuỵu luôn tại chỗ, ngồi bệt xuống giường thở dốc.

Ở quê việc nhà rối bung rối bét. Bố chồng Phượng cũng đang ốm nặng. Mẹ chồng một tay xốc vác việc nhà. Phượng đi đi lại lại giữa nhà và viện như cơm bữa. Cái mảnh đất vài trăm mét nằm gần quốc lộ sôi sục hàng ngày, giá nóng hôi hổi. Phượng không thể để mọi chuyện trở thành quá muộn, giấy tờ xong xuôi thì mới ngã ngửa người ra được. Phượng căm uất nghẹn ngào. Nếu vợ chồng Phượng có một thằng con trai thì có phải bây giờ đã chẳng phải sấp ngửa. Kiểu gì thì mụ ta cũng không thể nuốt không của nhà Phượng. Mụ ta làm sao dám viện mãi vào cớ bà giữ đất lại cho cháu. Mụ ta đâu có thể dám bóng gió xa xôi, rằng Phượng thì sớm muộn cũng đi lấy chồng thôi. Phượng chẳng thể mang theo con được. Mụ sẽ giữ mảnh đất lại, coi như phần hương hỏa của ông nội để lại để chống lưng cho cháu sau này. Nếu đứa con gái đầu của Phượng là một thằng con trai, Phượng đã không phải lo gì. Kiểu gì nó cũng phải được mảnh đất đó. Mụ ta có rỉ tai, thầm thì cách mấy bố chồng Phượng cũng không làm khác. Nhưng nó lại là con gái, mụ ta cứ châm chọc, bao biện mãi việc đó. Rồi bảo, chỉ nên chia một nửa đám đất thôi. Rồi kiểu gì nay mai, một nửa đám đất cũng đâu chắc được. Thật nham hiểm. Bố chồng Phượng thì lúc mê lúc tỉnh mà Phụng thì không thể ra viện.

Phụng nhìn vợ đăm đăm. Sao chỉ mới một tuần mà Phượng gầy đi nhiều thế, đăm chiêu nhiều thế. Chắc hẳn vợ đang có gì giấu anh. Cũng không thấy Phượng đi chợ lâu hay tắm lâu như mọi ngày. Phượng chăm chỉ, cần mẫn ngồi bên anh, lại chăm sóc anh chu đáo. Nhưng rõ ràng Phượng hơi lơ là và mất tập trung. Mấy năm yêu nhau, hai năm sống chung với nhau, anh đủ nhạy cảm để hiểu được vợ. Và anh cũng đủ hiểu vợ để biết không thể nào hỏi ra được điều gì đang làm vợ anh suy nghĩ. Thời gian này bác sỹ lại liên tục “nhắc lệnh cấm” với anh. Lòng anh không yên. Tối tối anh rất hay mơ, những giấc mơ đen đặc bóng đêm sợ hãi. Để điều trị bệnh anh không được suy nghĩ nhiều nhưng anh không tránh được khỏi buồn phiền, lo lắng.

Phượng càng không tránh khỏi những suy nghĩ đang bám riết hàng ngày. Mà bệnh tình của Phụng càng có biểu hiện xấu đi. Có vẻ sự bất an đang thêm dầu vào lửa cho bệnh trạng của Phụng. Phụng chẳng nói với Phượng một lời, suốt ngày nằm quay mặt vào tường, dùng áo đắp lên mặt. Ăn thì rất ít. Có khi còn bỏ thuốc không truyền hết. Nhưng Phượng cũng không thể nhẫn nhịn hết được. Phượng đang có trăm việc phải lo. Phụng đã không biết còn gây thêm khó khăn. Phượng quá mệt mỏi và sốt ruột. Dường như mọi việc đang dồn đến đường cùng.

* *

*

Phượng quấn khăn tang trên đầu, mắt sưng húp rũ rượi nằm trong nhà. Phượng không cho đốt bất cứ một thứ gì của vợ chồng Phượng. Mọi thứ đều nguyên vẹn. Hàng xóm xót xa cho cô vợ trẻ. Bố chồng Phượng lúc tỉnh táo lúc mơ hồ. Ông cứ nhìn chằm chằm vào ảnh con trai. Mẹ chồng Phượng lăng xăng. Con gái nhỏ của Phượng nằm bẹp bên cạnh mẹ…

Ba ngày sau bố chồng Phượng nằm liệt giường, miệng đã bắt đầu có dấu hiệu cưng cứng. Ông gọi mọi người trong nhà vào đông đủ. Lần đầu tiên ông muốn mở cửa chính, mở cửa sổ gian buồng ông hay nằm. Ánh sáng nhảy múa vào tận giường, soi rõ những khuôn mặt người, anh em, vợ con, hàng xóm thân thiết mà lâu lắm ông chưa nhìn. Ông tuyên bố, dặn dò một hai điều thều thào, khó khăn. Những tia nắng dừng ở đôi mắt mở ra tuyệt đẹp, sáng rỡ lạ thường. Thẳng một hàng với ảnh của Phụng.

Người ta mặc quần áo mới cho bố chồng của Phượng, người ta gỡ từ tay ông cụ, sau lần chăn một tờ phiếu xét nghiệm, một phiếu siêu âm màu. Cái khối nhỏ bé, rõ hình người, bào thai một thằng cu.

Phượng vẫn nằm xẹp trên giường. Đứa con gái nhỏ ôm riết lấy bụng mẹ. Phượng sẽ nuôi hai đứa nó khôn lớn mà bớt đi gánh nặng. Cũng chỉ là đàn bà yếu đuối… Phượng gạt nước mắt không nhìn lên ban thờ.

Đàn bà yếu đuối ảnh 1
Đàn bà yếu đuối có dáng vẻ của loại truyện mà tôi muốn gọi là “lật tẩy”, thứ mà những bậc thầy như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng đã làm rất điêu luyện.

Dường như, để viết giỏi loại này, phải ngầm định rằng cuộc sống là một vở kịch. Và tác giả, sau khi vén lên tấm phông sân khấu, thì phải làm sao cho các nhân vật của mình đi đứng nói cười khóc lóc ăn uống làm tình cho thật ra trò. Mà viết giỏi, thì làm lộ ra cái mà ai cũng có thể nói, nhưng làm không hề dễ, đó là: tấn trò đời.

Nữ nhà văn sinh năm 1982 này đã làm được điều đó, với nhiều xúc cảm (nhưng đã biết tiết chế), với nhiều trắc ẩn với nhân vật nữ chính (nhưng hơi thiếu khoan dung với nhân vật nữ phụ. Ô là là, nói tôi nghe, có phải họ đều là đàn bà cả không?). Cô là sinh viên khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình (Đại học Văn hóa Hà Nội, trước là trường Viết văn Nguyễn Du), mới ra trường một năm.

Trong hai năm gần đây, Hoa Xuân viết nhiều và được in nhiều. Cô vừa xuất bản tập truyện ngắn Giấc mơ mở mắt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG