Đẫm nước mắt câu chuyện trao nhầm con ở Bình Phước

Lan Anh, Ngọc Yến đang sống hạnh phúc trong tình yêu thương của hai gia đình
Lan Anh, Ngọc Yến đang sống hạnh phúc trong tình yêu thương của hai gia đình
Bằng sự cảm thông và yêu thương, 2 gia đình bị trao nhầm con ở Bình Phước đã giúp 2 cháu bé vượt qua cú sốc, sống vui vẻ bên nhau.

"Mấy hôm nay, tôi liên tục đọc báo để theo dõi vụ bệnh viện trao nhầm con ở Hà Nội. Gia đình tôi cũng từng gặp phải chuyện tréo ngoe này. Rất may, tôi đã tìm được cách giải quyết ổn thỏa, vui vẻ" - anh Vũ Đình Khiên (38 tuổi; ngụ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) nói.

"Sao ba mẹ bỏ con?"

Năm 2013, vợ anh Khiên là chị Nguyễn Thị Thu Trang (28 tuổi) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (26 tuổi, người dân tộc S’tiêng) tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Nuôi con khoảng 1 năm thì vợ chồng anh Khiên nghi ngờ khi con gái không giống cả ba lẫn mẹ. Anh Khiên nói: "Vợ chồng tôi người Kinh nhưng con bé có nước da, màu mắt, kiểu tóc xoăn giống người dân tộc". Nghi ngờ mình đang nuôi con của cô gái người dân tộc sinh cùng phòng nên thời gian sau đó, anh Khiên lùng sục tìm cô gái này để làm rõ thực hư nhưng không gặp.

Đầu tháng 5/2016, trong lần đi bán bánh mì ở làng bên thuộc xã Phước An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, bố của chị Trang bất ngờ thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu nên càng nghi ngờ. Chị Trang và anh Khiên đưa bé gái mình đang nuôi đi xét nghiệm ADN thì phát hiện cháu không cùng huyết thống. Nhận được khiếu nại của anh Khiên, Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long đã đưa 2 bé đi xét nghiệm ADN thì sự thật mới sáng tỏ.

Ngày 25/7/2016, 2 bé gái được trả về cho ba mẹ ruột sau 3 năm bị trao nhầm. Tuy nhiên, cả hai gia đình và 2 cháu bé đều sốc. Khi nhận "đứa con ruột nhưng lạ lẫm", chị Liên ngất xỉu tại bệnh viện. Ngày đầu về ở với chị Liên, con ruột của chị sợ hãi, lạ lẫm, chỉ biết ôm cột nhà khóc rã người. Trong khi đó, vợ chồng anh Khiên - chị Trang cũng bấn loạn, không dỗ dành được đứa con ruột mà mình chưa từng nuôi ngày nào. Anh chị trào nước mắt mỗi khi nhớ tới lời của "đứa con cũ": "Con thương ba mẹ sao ba mẹ bỏ con?".

Hai gia đình buộc phải ngồi lại bàn cách và quyết định cho 2 bé sống chung với nhau, được hai bên luân phiên chăm sóc. "Hai nhà cách nhau chừng 10 km. Hôm nay, tôi chăm 2 con thì hôm sau chở 2 con đến nhà mẹ Liên. Khi các cháu thân thiết hơn thì một tuần ở bên này, tuần sau ở bên kia. Giống như mỗi nhà đều có 2 con gái" - anh Khiên chia sẻ. 

Sinh nhật là ngày đoàn tụ

Hiện 2 bé đều đi học mẫu giáo nên từ thứ hai đến thứ sáu ở với vợ chồng anh Khiên để đi học chung lớp. Cuối tuần, 2 bé về sống ở nhà chị Liên. "Bây giờ, tôi thương 2 con bằng nhau. Bảo tôi chọn một trong 2 con để nuôi thì tôi không chọn được. Bây giờ cứ sống vậy là vui. Sau này, các con lớn sẽ có suy nghĩ, quyết định riêng" - chị Liên tâm sự.

Để không phải làm lại giấy khai sinh, 2 bé cũng được đổi tên cho nhau. Lan Anh (con ruột của chị Trang) sinh trước 15 phút nên được gọi bằng chị, Ngọc Yến là em. Ngày tròn 4 tuổi, Lan Anh và Ngọc Yến được hai bên tổ chức sinh nhật với thông điệp "ngày đoàn tụ gia đình".

Giờ đây ai cũng vui khi thấy cảnh Lan Anh, Ngọc Yến nô đùa, ăn ngủ quấn quýt bên nhau từng phút. Tuy nhiên, "đoàn tụ" 2 năm rồi nhưng những ký ức đầu đời vẫn hằn lên tâm trí 2 bé. Ngồi trên chuyến xe đi từ nhà anh Khiên vào bản làng người dân tộc để thăm nhà chị Liên, chúng tôi hỏi 2 bé: "Các con thương mẹ Trang hơn hay thương mẹ Liên hơn?". Bé Ngọc Yến (con ruột chị Liên) thì bảo thích mẹ Trang hơn, còn bé Lan Anh (con ruột chị Trang) thì không trả lời nhưng khi về nhà chị Liên thì như "cá gặp nước".

Theo Theo Người Lao động
MỚI - NÓNG