Với chủ đề “Dân ca 3 miền”, ngày hội sẽ được thực hiện đồng thời bởi lực lượng chuyên nghiệp là các câu lạc bộ âm nhạc dân tộc và các chi hội không chuyên về âm nhạc dân tộc sẽ cùng thi tài tìm hiểu và biểu diễn các làn điệu dân ca. “Ngày hội là dịp để các hội viên thuộc Hội Di sản Văn hóa TP cùng các tầng lớp nhân dân cùng tìm hiểu, giao lưu về một loại hình di sản, để mỗi người thêm yêu, quan tâm đến các loại hình di sản văn hóa, để rồi cùng nhau ra sức bảo tồn và phát huy vốn di sản phong phú mà bao thế hệ ông cha đã để lại cho chúng ta”, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TPHCM, cho biết.
Hội Di sản Văn hóa TPHCM giới thiệu CLB Dân ca Tây Bắc - Hoa Ban
CLB Dân ca Tây Bắc - Hoa Ban biểu diễn các tiết mục hát - múa
Các liền anh - liền chị hát quan họ
Cũng tại ngày hội, đã diễn ra các hoạt động biểu diễn võ thuật của Chi hội Nam Huỳnh Đạo; hát - múa các tiết mục âm nhạc cổ truyền các dân tộc Việt Nam do các chi hội văn hóa nghệ thuật (thuộc Hội Di sản Văn hóa TPHCM) thực hiện...
Dịp này, Hội Di sản Văn hóa TPHCM chính thức ra mắt thêm một Câu lạc bộ trực thuộc nữa là CLB Dân ca Tây Bắc - Hoa Ban. Với sự góp mặt của CLB Dân ca Tây Bắc - Hoa Ban, Hội DSVH TPHCM đã có tất cả 5 CLB âm nhạc dân tộc, hoạt động ở các loại hình dân ca của mọi miền đất nước VN.
Các võ sinh thuộc Chi hội Nam huỳnh đạo biểu diễn tiết mục võ thuật tại Ngày hội
Cách đây 67 năm, vào ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 65/SL về “Đông phương Bác cổ Học viện”. Đây là sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc với việc khẳng định “việc bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam. Từ “cổ tích” trong sắc lệnh 65 ngày nay được thay bằng khái niệm “di sản văn hóa”. Đến năm 2002, Chủ tịch nước CHXHCNVN công bố Luật di sản văn hóa.