Đảm bảo công bằng cho người tự ứng cử

Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Trường Phong.
Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Trường Phong.
TP - Trao đổi với báo chí sáng 3/3, ông Nguyễn Văn Pha,  Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết, những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và  đại biểu HĐND các cấp được tôn trọng, bình đẳng như những người được giới thiệu ứng cử.

Thưa ông, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra cơ cấu cứng và định hướng rất rõ tỷ lệ trong đó thì người tự ứng cử thuộc cơ cấu nào?

Hiện nay với cả ĐBQH và ĐB HĐND đều thế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Thường trực HĐND các cấp không có cơ cấu người tự ứng cử. Việc không đưa ra cũng không ảnh hưởng gì đến người tự ứng cử. Tôi cho rằng nếu luật có quy định thì tốt. Tuy nhiên, luật không quy định nên chỉ dự kiến người ứng cử của các cơ quan, đơn vị thôi. Trong quá trình bầu cử, người tự ứng cử nếu hội đủ điều kiện thì cũng bình đẳng như tất cả những người được giới thiệu ứng cử.

Đối với người tự ứng cử thì sự công tâm ở các vòng hiệp thương rất quan trọng. Mặt trận Tổ quốc làm gì để đảm bảo công bằng cho tất cả những người ứng cử?

Về điều này, Mặt trận Tổ quốc không được quyền nói người này được giới thiệu thì ưu tiên, người kia tự ứng cử thì không được ưu tiên. Về luật pháp là không được như thế. Bình đẳng như nhau hết. Nếu như định hướng để cử tri loại đi người tự ứng cử là phạm luật. Khi có danh sách ứng cử viên sẽ xếp theo thứ tự A, B, C, không phân biệt được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử. Hơn nữa, theo quy định mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư ít nhất hai người, do đó người tự ứng cử cạnh tranh bình đẳng với những người ứng cử khác.

Nghị quyết 1134 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định sau vòng 2, Mặt trận Tổ quốc lập danh sách sơ bộ gửi về nơi người đó cư trú thường xuyên để lấy ý kiến cử tri. Tại đây, một số người tự ứng cử bị trượt bởi vì bản thân không gương mẫu tại nơi sinh sống. Một khi không gương mẫu, không được tín nhiệm nơi anh ở thì anh không thể đại diện cho cử tri tỉnh đó nói gì đến cả nước.

Giám sát việc tặng quà để vận động cử tri

Thưa ông, theo luật, việc vận động bầu cử qua kênh nào chính thức? Hiện có cấm vận động cử tri qua mạng xã hội hay không?

Bây giờ không có luật nào quy định cấm, luật chỉ quy định hai hình thức vận động bầu cử chính thức. Thứ nhất là vận động qua Hội nghị cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp UBND các cấp tổ chức. Tại đó những người ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình, sau đó cử tri phát biểu, chất vấn. Hình thức thứ hai là qua các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu tại địa phương đó như đài truyền hình tỉnh, báo tỉnh.

Luật quy định rất khắt khe về vận động bầu cử. Các ứng viên không được dùng vật chất, tiền bạc hay những thứ khác để dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri”.

Ông Nguyễn Văn Pha

Như 2 khóa gần đây tôi ứng cử tại Quảng Bình, Nam Định. Trong quá trình vận động bầu cử tôi được báo, đài mời đến và chúng tôi có một chương trình hành động tóm tắt gần như bằng nhau. Ví dụ 200 chữ là 200 chữ, năm người như nhau. Kích cỡ ảnh cũng như nhau, màu như nhau. Khi nói trước truyền hình cũng nói đúng 2 phút, không ai nói hơn, rất công bằng. Tôi trải qua hai nhiệm kỳ đều như thế và các địa phương cũng làm như thế. Không có chuyện ai hơn ai ở đây cả.

Có thể trong cùng đơn vị bầu cử sẽ trùng giữa người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh, nếu không cẩn thận sẽ có trường hợp ưu tiên người ứng cử ĐBQH được nói nhiều hơn. Người ứng cử ĐB HĐND có thể là lãnh đạo tỉnh, cũng có thể là ông xã viên sản xuất giỏi dưới thôn. Cả Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Mặt trận về đó nữa thì sao? Nếu thế, ông xã viên sẽ rất yếu thế so với những người còn lại nhưng theo luật, ông ấy cũng ngang bằng, bình đẳng như Bộ trưởng, cũng được nói thời gian như nhau. Khi đưa lên truyền hình bình đẳng chứ không có chuyện ưu tiên cấp tỉnh, cấp T.Ư.

Việc tặng quà, hứa cho cái này, cái kia khi vận động bầu cử thì sao, thưa ông?

Luật quy định rất khắt khe về vận động bầu cử. Các ứng viên không được dùng vật chất, tiền bạc hay những thứ khác để dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể sẽ giám sát rất chặt chẽ.

Vậy hiểu thế nào về mua chuộc, dụ dỗ? Ví dụ khi đi vận động bầu cử người ta hứa nếu trúng cử thì sẽ xây nhà văn hóa, nhà tình nghĩa hay làm việc gì đó bằng tiền do họ vận động được hoặc bằng tiền riêng thì sao?

Nếu mà nhận thấy việc đó để lấy lòng cử tri là không được. Anh cứ hứa nhưng cả năm, cả đời không về huyện, xã đó, tự nhiên hôm nay về làm như thế rõ ràng là tìm cách mua chuộc người ta.

Cũng có kinh nghiệm của 2 ĐBQH trúng cử ở Nghệ An rồi. Họ có ý thức ứng cử ĐBQH từ lâu nên đầu tư về quê hương như xây dựng bệnh viện, trường học, mở các doanh nghiệp giải quyết công ăn việc làm cho con em ở quê. Rõ ràng họ có ý thức đầu tư cơ bản để ứng cử nên khi ứng cử rất tự nhiên và được ủng hộ rất cao.

Tất nhiên các thứ quà tặng, lời hứa không dễ gì xác định được nhưng nếu Mặt trận Tổ quốc biết việc đó, hoặc cử tri nói người này, người kia về cho tiền thì xác định luôn là tiền mất tật mang, sẽ bị loại.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG