Đắk Lắk- Doanh nghiệp cần gì thời hậu Covid-19

Nhập phế liệu để sản xuất thép “xanh” tại KCN Hòa Phú
Nhập phế liệu để sản xuất thép “xanh” tại KCN Hòa Phú
Muốn cống hiến nhiều hơn cũng khó do tiến trình đầu tư vướng rất nhiều trở ngại, là nỗi niềm éo le của không ít doanh nghiệp tại Đắk Lắk, cho thấy chính quyền phải quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh các giải pháp gỡ khó cho nhà đầu tư.

Xác xơ sau dịch

Theo số liệu UBND tỉnh Đắk Lắk công bố, thì năm 2019 ngân sách tỉnh tổng thu 6.910 tỉ đồng, tổng chi hơn 16.612 triệu đồng. Do chi gấp hơn 2,4 lần thu, tỉnh đông dân nhất Tây Nguyên phải xin hỗ trợ phần lớn từ ngân sách Trung ương.

Từ cuối 2019, lãnh đạo tỉnh đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2020 tổng thu ngân sách 8.480 tỉ, tổng chi hơn 18.424 tỉ, thu hẹp khoảng cách thu chi xuống còn 2,17 lần. Thực tế khó đạt, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tàn phá kinh tế toàn cầu. 

Đắk Lắk- Doanh nghiệp cần gì thời hậu Covid-19 ảnh 1

Sản xuất thép ở Nhà máy thép Đông Nam Á

Ông Bùi Văn Chuẩn- Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk cho biết năm 2020 ngành Thuế tỉnh ước tính hụt nguồn thu so với dự toán khoảng 850 tỉ đồng, trong đó mất khoảng 500 tỉ đồng từ Công ty CP Bia Sài Gòn Miền Trung, 90 tỉ từ nguồn lệ phí trước bạ, 120 tỉ từ thủy điện v.v... Nguyên nhân: Nhu cầu sử dụng rượu, bia giảm mạnh sau khi Chính phủ triển khai Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong an toàn giao thông; Dịch Covid-19 bùng phát khiến du lịch đình đốn, mọi hoạt động tụ tập vui chơi bị ngăn cấm; Rồi nạn rượu bia nhập lậu v.v...

Những mũi nhọn kinh tế khác của Đắk Lắk, như năng lượng, nông sản cũng giảm nguồn thu nghiêm trọng. Hàng chục nhà máy thủy điện lớn nhỏ ngưng chạy máy do hạn hán kéo dài, sông suối cạn kiệt. Nhiều dịch vụ phá sản, đóng cửa, giải thể. Các mặt hàng cà phê, tiêu, điều xuất khẩu ứ đọng, nông dân lỗ nặng, đã mất mùa do khô hạn, giá nông sản lại còn rơi tận đáy về giá hàng chục năm qua. 

Trong nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, Cục Thuế đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các Sở ban ngành triển khai hàng loạt giải pháp kích cầu tiêu thụ cho hàng địa phương, chống hàng giả, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, vận động nhà đầu tư chọn cách nộp tiền thuê đất một lần thay vì nộp tiền thuê đất hàng năm v.v... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp liên tục kiến nghị gỡ khó, kêu hoài không xong. 

Đắk Lắk- Doanh nghiệp cần gì thời hậu Covid-19 ảnh 2

Kỹ sư Đăng Phong chăm lo tốt đời sống hơn 200 công nhân

Doanh nghiệp cần gì?

Tháng cao điểm chống dịch, Đắk Lắk vẫn có những doanh nghiệp (DN) linh hoạt duy trì sản xuất, bảo đảm thu nhập cho người lao động, tập trung đông nhất ở Khu công nghiệp Hòa Phú và Cụm công nghiệp Tân An. Điển hình như Công ty cổ phần Thép Đông Nam Á (Thép ĐNA) có hơn 550 công nhân (CN) chuyên nhập phế liệu sản xuất thép “xanh” theo công nghệ “sạch”, đóng tới 35 tỉ đồng tiền điện mỗi tháng vào giai đoạn sản xuất cao điểm; Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên ngoài nhà máy chế biến cà phê bột công suất 10.000 tấn/năm còn xây thêm 2 nhà máy tổng vốn đầu tư 1000 tỉ đồng ở Cụm CN Tân An 2. Tập đoàn An Thái ngoài các mặt hàng cà phê xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia còn có nhà máy chế biến rau củ quả và sản xuất phân vi sinh. Kỹ sư Đăng Phong-Giám đốc Công ty SXTM và DV Đăng Phong dẫn đầu hiệu quả hoạt động ngành cơ khí, chăm lo tốt đời sống cho hơn 200 công nhân.

Nhiều doanh nhân chia sẻ với phóng viên: Nếu được cấp trên quan tâm giải quyết những khó khăn mà DN đã kiến nghị hàng chục lần, thì DN hoàn toàn có thể đóng góp tăng vọt các khoản thuế, phí cho tỉnh. Trong đó, cấp bách nhất vẫn là nhu cầu được cung cấp nước sạch, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, làm đường giao thông. Những vấn đề này lẽ ra tỉnh phải “trải thảm” hoàn tất trước khi đón nhà đầu tư. Có DN muốn được đóng tiền đất một lần, gửi văn bản đề nghị đã nhiều lần vẫn chưa được tính xong giá đất.

Tại Khu công nghiệp Hòa Phú, mỗi ngày hàng vạn tấn hàng hóa lưu chuyển trên con đường dân sinh cũ kỹ, nhỏ hẹp, cầu yếu, ẩn chứa đầy rủi ro nguy hiểm, dù các nhà đầu tư kiến nghị từ lâu. Trả lời phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Văn Tịch- Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết đoạn đường dài 2,7 km cần 80 tỉ, đã được Bộ KHĐT thống nhất ghi vốn đầu tư giai đoạn 2015-2020. Trong đó trung ương 60 tỉ, địa phương 20 tỉ, nhưng tới nay chưa bên nào có tiền.

Đắk Lắk- Doanh nghiệp cần gì thời hậu Covid-19 ảnh 3

Dự án chuối xuất khẩu tạo nhiều việc làm cho thanh niên vùng sâu

Về nông nghiệp, Công ty cổ phần KD Green Farm ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Păk với 100 ha chuối Cavendish Nam Mỹ năng suất cao, từ trước dịch Covid-19 đến nay vẫn đều đều xuất khẩu, mỗi tháng 600-700 tấn chính ngạch qua cửa khẩu phía Bắc, ổn định thu nhập 250 thanh niên dân tộc thiểu số vùng sâu. Bà Lê Thị Mỹ Hạnh- giám đốc Công ty cho biết doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng diện tích trang trại lên gấp đôi, nhưng rất lo lắng vì chính quyền địa phương chưa dẫn được nước về hồ Thanh Hà để có nguồn nước tưới, mới đây lại cho phép mở một trang trại chăn nuôi cạnh đường đi, phía đầu nguồn, khó tránh nguy cơ gây ô nhiễm.

Lãnh đạo tỉnh đã họp tìm giải pháp gỡ khó. Tuy nhiên, tiến trình gỡ khó quá chậm. Ngày 26/6/2020 Cục Thuế Đắk Lắk mở hội nghị đối thoại doanh nghiệp. Từ 412 DN tham dự, 20 kiến nghị chính đáng đã được ghi nhận và chuyển lên các cấp có thẩm quyền.

Nhiều DN ở Cụm công nghiệp Tân An vừa phải tự khoan giếng tìm nước, vừa phải chịu phạt do xả nước thải vì tỉnh chưa thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư về việc sớm có hệ thống cấp thoát nước đạt yêu cầu. Nguồn vốn cho Dự án xử lý nước thải Cụm công nghiệp này đã được bố trí từ nhiều năm trước. Đầu năm 2018 UBND TP Buôn Ma Thuột đã cách hết các chức vụ một giám đốc gây thất thoát hàng chục tỉ đồng đầu tư cho Dự án khiến công trình dang dở mãi không xong, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra đã chính thức vào cuộc.

 
MỚI - NÓNG