> Xúc động với hình ảnh Tướng Giáp chào tạm biệt
>Tóm tắt tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sáng 5/10, Lệ Thủy (Quảng Bình) xác xơ sau trận siêu bão số 10. Nước lũ vẫn bạc trắng dòng Kiến Giang thơ mộng và cánh đồng thẳng cánh cò bay. Trên những con đường nối về làng An Xá, xã Lộc Thủy, nhiều tốp người lặng lẽ quét dọn, với hi vọng quê hương tươm tất hơn trong những ngày đại tang của Đại tướng.
Tại ngôi nhà của gia đình Đại tướng ở làng An Xá, từng dòng người kéo về kính cẩn nghiêng mình trong nỗi đau thương vô hạn. Sớm nhất vẫn là những người thân trong gia đình, người làng của Đại tướng, rồi người dân từ các huyện, thành phố của Quảng Bình, và không ít khách đi qua Quảng Bình đã cố gắng ghé vào thắp nén tâm hương, vái vọng hương hồn Đại tướng.
Ngôi nhà của gia đình Đại tướng xác xơ sau bão. |
Ông Võ Đại Hàm, người đang trông coi ngôi nhà của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và là cháu gọi Đại tướng bằng ông, vốn người mảnh khảnh, nay thêm phần hốc hác sau đêm thức trắng. Dẫu biết người già như lá vàng trên cây, nhưng tin dữ đến với ông quá đột ngột khiến ông chết lặng. Chỉ trước đó mấy giờ đồng hồ thôi, gia đình Đại tướng vẫn điện thoại vào hỏi thăm tình hình bão lũ của quê hương và lên kế hoạch khôi phục lại ngôi nhà sau bão. “Việc ông ra đi tui đã chuẩn bị tâm thế từ lâu, nhưng khi đối diện sự thật thì không khỏi bàng hoàng, sửng sốt. Mất mát này lớn quá” - ông Hàm nói trong hai hàng nước mắt.
Ngôi nhà thời thơ ấu của Đại tướng xác xơ sau bão. Những cây đào, cây mai rợp bóng hôm nào giờ gãy đổ ngổn ngang. Các em học sinh và người dân trong vùng đang mỗi người một tay dọn dẹp lại khu vườn. Em Bùi Thị Khánh Lam, học sinh lớp 8A, Trường THCS Lộc Thủy rơm rớm nước mắt kể: “Sáng nay em đến lớp thì biết tin bác Giáp mất. Cả lớp ai cũng buồn thương, nhiều bạn đã khóc”.
Bà Kiều Thị Tỉnh, láng giềng gần ngôi nhà của Đại tướng thì nghẹn ngào: “Từ tối qua, người làng tui nghe tin dữ, cả làng có ai ngủ được đâu. Bác ấy là niềm tự hào của người làng tui. Mặc dù là người khai quốc công thần nhưng bác vẫn sống giản dị, luôn lo cho dân cho nước, không tư lợi cá nhân nên dân chúng tôi vừa biết ơn, vừa kính trọng. Mỗi lần bác về thăm quê, bác vẫn thường nhắc con cháu và làng xóm phải biết tự mình vươn lên để làm người có ích cho xã hội”.
Trong dòng người đổ về ngôi nhà thời thơ ấu của Đại tướng, ông Nguyễn Thanh Hoành, nay gần 70 tuổi lặn lội từ TP Đồng Hới lên, khiến ai cũng xúc động. Lặng người bên ban thờ gia đình Đại tướng một hồi lâu rồi ông òa khóc. Ông nói như ôn lại chuyện cũ: “Đại tướng ơi, Đại tướng có nhớ người lính này không? Người mà Đại tướng đã an ủi, động viên, cho điếu thuốc ngay trên trọng điểm ác liệt Phu La Nhích, đường 20 - Quyết Thắng ngày ấy đây”.
Không chỉ trên quê hương Đại tướng, mà khắp trên các làng quê, ngõ xóm của Quảng Bình, người dân thương tiếc truyền tin cho nhau: “Bác Giáp mất rồi”. Ông Nguyễn Khắc Hiếu ở thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch nghẹn ngào cho biết: “Mẹ tui cùng tuổi với bác Giáp. Thường ngày bà vẫn hay nói “khi mô bác Giáp mất là tau cũng đi cùng bác ấy. Hôm ni nghe tin bác Giáp mất, bà bỏ ăn, khóc lóc, rồi nói với con cháu “bây chuẩn bị đi, tau cũng sắp đi theo bác Giáp rồi đó”. Đại tướng mất đã xót xa lắm rồi, giờ thấy bà thế mà con cháu thêm não lòng”. Còn cựu binh Đỗ Như Quán, ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch bị mù hai mắt nhưng cứ nằng nặc đòi con cháu đưa ông vào Lệ Thủy để thắp hương cho Đại tướng.
Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Huyện sẽ tổ chức hai điểm viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài ban thờ ở nhà của gia đình Đại tướng, huyện sẽ lập thêm một ban thờ ở nhà văn hóa trung tâm huyện. Quan điểm của huyện và người thân của Đại tướng ở quê nhà đã thống nhất là Lễ tang của Đại tướng phải trang trọng và phù hợp với truyền thống của địa phương. Huyện cũng sẽ thành lập đoàn đại diện ra Hà Nội viếng Đại tướng.
Ngay trong ngày 5/10, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gồm 17 người, do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính làm trưởng ban. |