> Đại tướng vô lần này là mãi mãi...
> Với chiến sĩ, Đại tướng như người cha
Năm 1999, anh Tô Quang Nam (nay là Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong-PV) và tôi được Ban Biên tập cử lên Điện Biên công tác dài ngày để viết loạt bài nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong chuyến công tác, chúng tôi có dịp tham dự Liên hoan “Gặp gỡ Điện Biên-45 năm” do TƯ Đoàn và Hội LHTN Việt Nam tổ chức, với sự tham gia chủ yếu của Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam (DNTVN) và tuổi trẻ các tỉnh miền núi phía Bắc.
Được biết, ý tưởng ban đầu của cuộc hành hương về nguồn này đã được báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được Đại tướng rất hoan nghênh. Sau đó, Đại tướng đã viết một bức thư gửi Liên hoan để động viên, khích lệ tinh thần thế hệ trẻ.
Vừa về đến Hà Nội sau chuyến công tác, chúng tôi phấn khởi khi được thông báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời Đoàn đại biểu của Liên hoan “Gặp gỡ Điện Biên-45 năm” đến nhà riêng để nghe báo cáo về cuộc gặp gỡ này. Đây là một vinh dự lớn bởi thời điểm này sát với ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên nên Đại tướng rất bận.
Đại diện các nhà DNTVN khi đó có các anh Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần FPT, khi đó là Chủ tịch Hội DNTVN), Võ Quốc Thắng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Cổ phần Đồng Tâm)... mà sự nghiệp của họ vẫn liên tục phát triển đến nay.
Hôm đó, rất đúng giờ, Đại tướng đã có mặt ở phòng khách để tiếp chúng tôi. Ông rất vui khi biết đoàn DNTVN đã làm được một số việc trong chương trình giúp hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên trong phát triển kinh tế. Khi được biết đoàn DNTVN có đến Mường Phăng thăm căn hầm mà Đại tướng và Sở chỉ huy chiến dịch đã ở, Đại tướng nhớ lại rất nhanh nơi mình đã từng gắn bó với các quyết định quan trọng.
Trong các quyết định đó, có một quyết định mà Đại tướng cho là khó khăn nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là việc rút quân khi địch ồ ạt nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên.
Lần đầu tiên chúng tôi được trực tiếp nghe Đại tướng nói về quyết định khó khăn nhất của mình trong chiến dịch vĩ đại này. Đại tướng kể: “Ngày 20/12/1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Anh Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng cùng 3 đại đoàn lên trước để xem xét và cho rằng phải đánh nhanh, thắng nhanh.
Sau đó, cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở lên đều đồng ý địch nhảy dù xuống phải tranh thủ đánh ngay khi chúng chưa kịp vững chân. Khi đó pháo của ta đã kéo vào sẵn sàng.
Trước tình hình đó tôi suy nghĩ ghê lắm, nhiều đêm mất ngủ, trong khi quân số của địch tập trung vào đây mỗi lúc một tăng. Cuối cùng tôi đi đến quyết định hoãn đánh, vì bộ đội ta chỉ mới trải qua kinh nghiệm đánh một tiểu đoàn, nay lực lượng của địch đông hơn nhiều nên phải tạm rút quân.
Đảng ủy họp bàn và nêu ý kiến: Đã đề ra mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh và phổ biến tới bộ đội, nay biết ăn nói thế nào? Tôi nói rằng: Bác Hồ dặn trận này nhất định phải thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng nhất định không đánh. Vậy ai đồng ý chắc thắng trăm phần trăm thì giơ tay. Không ai giơ cả. Tôi quyết định rút quân, kéo pháo ra. Đó là quyết định khó khăn nhất của tôi”.
Kể điều này, Đại tướng muốn truyền một thông điệp tới các nhà DNT: Chiến tranh có những vấn đề của chiến tranh, hoà bình cũng có những vấn đề của hoà bình. Nhưng có những vấn đề rất cơ bản chi phối cả chiến tranh và hoà bình, đó là quy luật.
Mình phải đi vào thực tế, có phương pháp phân tích, phát hiện quy luật bằng trí tuệ và vận dụng sáng tạo những quy luật ấy. Tại chiến dịch Điện Biên, nếu chỉ có tinh thần cảm tử thôi mà xông ra đánh địch ngay là thất bại. Làm kinh tế ngày nay cũng vậy, nếu các doanh nghiệp biết vận dụng vào thực tiễn đất nước thì tôi tin sẽ thành công.
Sau cuộc gặp trên, Tiền Phong đăng bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự với các nhà DNT về quyết định khó khăn nhất trong chiến dịch Điện Biên”. Nhiều năm đã qua, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện trên và thông điệp của nó mà vị tướng huyền thoại đã truyền tải khi ấy.
Khoảng bảy, tám năm sau cuộc gặp gỡ trên, người viết bài này có dịp được trở lại nhà riêng của Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu. Nhưng hôm đó tôi không được gặp Đại tướng mà được phu nhân Đại tướng tiếp để gửi tiền từ thiện của gia đình giúp đỡ một số hoàn cảnh khó khăn đã đăng trên báo Tiền Phong. |