Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Vùng biển diễn biến ngày một khó lường

Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Vùng biển diễn biến ngày một khó lường
Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Vùng biển diễn biến ngày một khó lường
TPO - Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, hiện nay, tình hình vùng biển diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra. Từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, phù hợp với hội nhập quốc tế.

Xây dựng Cảnh sát biển tinh nhuệ, hiện đại

Tại phiên họp Quốc hội chiều 22/5, báo cáo tóm tắt tờ trình dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, qua 19 năm thực hiện Pháp lệnh, Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển; góp phần thể hiện hình ảnh Việt Nam là quốc gia ven biển, thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, có trách nhiệm giữ gìn an ninh, hòa bình quốc tế…

Tuy nhiên theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, hiện nay, tình hình vùng biển diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra, do chiến lược, tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực, như vụ giàn khoan HD 981 năm 2014; HD 760 năm 2017, các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển, cướp có vũ trang …; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại…; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, phù hợp với hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Pháp lệnh về Cảnh sát biển Việt Nam, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới.

Thực tiễn thi hành Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết.

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, mục đích xây dựng dự án luật nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biển đảo; xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng chủ trì thực thi pháp luật trên biển. Đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trong vùng biển Việt Nam.

Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về nhiệm vụ xử lý các tình huống quốc phòng - an ninh trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, trong điều kiện tình hình Biển Đông hiện nay, phù hợp với xu thế giải quyết tranh chấp bằng lực lượng thực thi pháp luật, bằng các biện pháp mang tính chất “dân sự”.

Thực hiện điều này để giữ vững hòa bình, ổn định, phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế, phù hợp xu thế chung khu vực và tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời không để sơ hở cho nước ngoài lực lợi dụng khiêu khích và đẩy lên xung đột vũ trang. Tuy nhiên, Cảnh sát biển Việt Nam cũng là lực lượng thường trực, sẵn sàng tham gia chiến đấu, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Không tạo “khoảng trống” trách nhiệm trên biển

Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Quốc phòng An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhằm hoàn thiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN), góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển. Đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng CSBVN, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng CSBVN.

Việc ban hành luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Về quan điểm xây dựng Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng Chiến lược biển đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.

Bên cạnh đó cần nghiên cứu quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng CSBVN, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác trên biển hoặc tạo "khoảng trống” về trách nhiệm trên biển.

Uỷ ban Thẩm tra cho rằng, mỗi lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, trong đó có nhiệm vụ chủ trì, có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của CSBVN phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, để thực hiện chủ trương của Đảng là: "Khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính". Đồng thời, rà soát về nội dung bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, thống nhất trong dự thảo Luật và của hệ thống pháp luật.

MỚI - NÓNG