Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương được cho là đang chuẩn bị hành lý để sang Washington thay cho ông Thôi Thiên Khải, một nhà ngoại giao kỳ cựu sắp kết thúc công việc sau hơn 8 năm đảm nhiệm vị trí này.
Thông tin ông Tần Cương sang Mỹ xuất hiện từ đầu năm nay khi ông Thôi, 68 tuổi, chuẩn bị nghỉ hưu. Các báo nói rằng ông Thôi được yêu cầu làm thêm vài tháng nữa để Bắc Kinh cân nhắc cách ứng xử với chính quyền Mỹ mới của Tổng thống Joe Biden và chọn người kế nhiệm ông Thôi.
Năm nay mới 55 tuổi, ông Tần Cương là thứ trưởng ngoại giao trẻ nhất trong 4 thứ trưởng giúp việc cho Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hiện nay. Đi lên từ vị trí Cục trưởng Cục Lễ tân, ông Tần là người phụ trách lịch trình của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tất cả các chuyến thăm cấp nhà nước và phụ trách tổ chức các cuộc hội đàm, đón tiếp và những hoạt động lễ tân khác.
Ông Tần nhiều lần được trông thấy tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du, trong đó có các chuyến thăm Mỹ vào các năm 2015 và 2017. Các bài báo nói rằng sự tỉ mỉ của ông Tần trong việc quản lý và sắp xếp khách mời giúp bảo đảm ít sự cố xảy ra ngoài kịch bản ngoại giao khi ông Tập thăm các nước.
Ông Tần cũng từng là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được dân mạng Trung Quốc khen ngợi vì lối phát ngôn cứng rắn và thẳng thắn.
Với phong cách đó, ông Tần thường không đắn đo trong những phát biểu chỉ trích gay gắt Mỹ và phương Tây. Những phát biểu cứng rắn của quan chức này xuất hiện trước khi kiểu “ngoại giao chiến binh sói” nổi lên.
Trong một sự kiện báo chí năm 2014, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đó kết thúc chuyến thăm các đồng minh châu Á và được nói là đã từ chối lời mời của Bắc Kinh, ông Tần được biết đến với tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ vẫn ở đó và giữ vững lập trường của mình dù tổng thống Mỹ có đến thăm hay không.
“Chúng tôi sẽ hoan nghênh (ông Obama) thăm Trung Quốc, nhưng thân thiện với Mỹ để đổi lấy chuyến thăm là điều cuối cùng Bắc Kinh sẽ làm và Mỹ nên từ bỏ mọi ảo tưởng”, ông Tần nói, khi quan hệ hai nước chưa căng thẳng như đến thời Trump.
Trong vai trò thứ trưởng ngoại giao hiện nay, ông Tần phụ trách cả các vấn đề về EU và quan hệ với từng thành viên của khối này. Ông làm việc trong Đại sứ quán Trung Quốc tại London từ năm 2010-2011.
Ông Tần được đánh giá là "ngôi sao đang lên" của ngành ngoại giao Trung Quốc, đặc biệt được ông Tập tín nhiệm vì những thành tích trên mặt trận ngoại giao.
Một tuỳ viên văn hoá của đại sứ quán Trung Quốc ở TP Mexico và từng làm việc tại Vụ Châu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc kể rằng ông Tần là một trong ít ứng viên đã được lựa chọn để lấp vào các vị trí đại sứ tại Mỹ, Anh và Liên Hợp quốc. Tuỳ viên nói rằng chưa biết việc ông Tần thiếu kinh nghiệm với Mỹ sẽ là điểm cộng hay điểm trừ.
“Việc Bắc Kinh trì hoãn thời gian đưa ông Tần đến Washington có thể là dấu hiệu cho thấy chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra, với thực tế là ông Tần ít khi tham gia vào những tương tác giữa Trung Quốc với Mỹ ngoài việc sắp xếp hai chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập đến Washington”, nhà ngoại giao giấu tên nói.
“Đại sứ hiện nay và các đại sứ trước đây của Trung Quốc tại Mỹ đều là những quan chức cấp cao và giàu kinh nghiệm, có thể là Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ hoặc là người kỳ cựu về quan hệ Trung – Mỹ, nhưng ông Tần không phải người như vậy và việc bổ nhiệm ông ấy làm đại sứ ở Mỹ sẽ phá vỡ truyền thống”, nhà ngoại giao nói.
Nhà ngoại giao này cho rằng nếu ông Tần thực sự sẽ trở thành người quan lý quan hệ quan trọng nhất của Bắc Kinh thì đây sẽ là thay đổi trong suy nghĩ tổng thể của ông Tập về quan hệ với Mỹ và cách nhà lãnh đạo này chuyển tải thông điệp.
Bổ nhiệm ông Tần đến Washington cũng không nên được hiểu là hạ cấp quan hệ với Mỹ, vì ông Tần vẫn mang hàm thứ trưởng, nhà ngoại giao nói.
Việc Bắc Kinh bổ nhiệm ông Zheng Zeguang, người từng làm tại Mỹ nhiều năm, làm người đứng đầu đại sứ quán ở London, được đánh giá là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn luân chuyển các nhà ngoại giao.
Minh Báo, tờ báo bằng tiếng Trung, suy đoán rằng việc bổ nhiệm ông Zheng và có thể là ông Tần cho thấy kiến thức và kinh nghiệm có thể không còn là yếu tố quan trọng nhất nữa, mà trọng tâm hiện nay là những người đã chứng minh được năng lực triển khai các chính sách và chỉ thị từ Bắc Kinh.
Drew Thompson, cựu quan chức Lầu Năm góc và hiện là giáo sư về chính sách công tại ĐHQG Singapore, nói với báo giới rằng ông Thôi, đại sứ sắp mãn nhiệm, đã đóng vai trò như vùng đệm ngoại giao khi căng thẳng Mỹ - Trung dâng cao trong mấy năm qua.
“Khó tìm thấy người nào đánh giá thấp ông Thôi ở Washington DC”, ông Thompson nói. Ông băn khoăn rằng liệu ông Tần, một người thường có giọng điệu cứng rắn và có quan hệ gần gũi với ông Tập, có được đánh giá như vậy ở Washington, trong giai đoạn quan hệ hai nước tiếp tục xấu đi hay không.