Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu Triều Tiên thả con tin

Các thuyền viên tàu cá Trung Quốc bị bắt cóc được Triều Tiên thả vào năm ngoái
Các thuyền viên tàu cá Trung Quốc bị bắt cóc được Triều Tiên thả vào năm ngoái
TPO- Theo hãng tin CRI, hôm 19/5, Đại sứ quán Trung Quốc tại CHDCND Triều Tiên yêu cầu Bình Nhưỡng đảm bảo an toàn và quyền hợp pháp cho các ngư dân Trung Quốc bị bắt cóc ở nước này.

Tân Hoa Xã dẫn lời tham tán Jiang Yaxian cho biết, tàu đánh cá số hiệu No. 25222 đến từ thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc bị một số người Triều Tiên có vũ trang bắt cóc. Chủ tàu là Yu Xuejun đã yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc giúp đỡ vào hôm 10/5.

“Khi nhận được cuộc gọi, Đại sứ quán Trung Quốc đã nhanh chóng liên hệ với Cục lãnh sự Bộ ngoại giao CHDCND Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng thả tàu và ngư dân càng sớm càng tốt”, ông Jiang cho biết.

Đại sứ quán cũng kêu gọi phía Triều Tiên đảm bảo an toàn cho người và tài sản cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các thủy thủ Trung Quốc.

Ông Jiang nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo vấn đề được giải quyết thỏa đáng sớm nhất”.

Theo truyền thông Trung Quốc, hôm 6/5, một số người Triều Tiên có đã bắt cóc tàu cá Trung Quốc và áp giải về Triều Tiên trong khi tàu đang hoạt động cách bờ biển phía tây của Triều Tiên khoảng 70km, chủ tàu Yu Xuejun cho biết.

Ông Yu cho biết thêm: “Các thuyền viên được tàu tuần tra Triều Tiên đưa đi sau vụ tấn công vũ trang”. Ông nói thêm những kẻ bắt cóc đã liên lạc với ông để đòi một khoản tiền chuộc là 600.000 NDT (tương đương với 98.000 USD).

Vụ bắt cóc xảy ra chỉ một năm sau khi 29 ngư dân Trung Quốc cũng bị người Triều Tiên bắt cóc và đòi 1,2 triệu NDT tiền chuộc. Các ngư dân đã được trở về mà không phải nộp tiền chuộc sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên hệ với nhà chức trách Triều Tiên để giải quyết vụ việc, Tân Hoa Xã cho biết.

Căng thẳng giữa Triều Tiên và Trung Quốc, hai nước đồng minh thân cận, đã dâng cao trong những tháng gần đây, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân hồi tháng Hai, động thái mà Bắc Kinh "kiên quyết phản đối".

Phan Yến
Theo CRI

Theo Dịch
MỚI - NÓNG