Đại học tự chủ 'trên giấy': Đã đến lúc bỏ Bộ chủ quản?

Chỉ có tự chủ mới giúp các trường đại học của Việt Nam khẳng định vị trí trên bản đồ thế giới. Ảnh: Diệp An
Chỉ có tự chủ mới giúp các trường đại học của Việt Nam khẳng định vị trí trên bản đồ thế giới. Ảnh: Diệp An
TP - Đến nay, có 23 trường đại học được giao tự chủ, nhưng trong quá trình thực hiện, các vướng mắc vẫn chưa được tháo bỏ hoàn toàn.

Tự chủ trên giấy

 So với giai đoạn trước khi Luật Giáo dục đại học (2018) có hiệu lực, tự chủ đại học (ĐH) đã thông thoáng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo TS. Phạm Hiệp, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia, có độ vênh giữa tự chủ trên giấy tờ và tự chủ trên thực tế. “Một số quy định pháp lý về quản lý ngành đã làm cho quy trình rắc rối, phức tạp hơn.

Mặc dù vẫn thuộc quyền quyết của nhà trường nhưng một số quy trình lại thuộc quy định của cơ quan quản lý khác không liên quan đến ngành giáo dục như quy trình tuyển dụng viên chức, quy trình thi đua - khen thưởng… nên khiến cho trường ĐH tự chủ nhưng lại không được tự chủ nhiều, vẫn phải xin ý kiến cơ quan chủ quản”, ông Hiệp nói. Theo ông, có sự khác biệt giữa các cơ quan chủ quản; nơi hỗ trợ thì trở thành động lực cho các trường, nhưng có những cơ quan chủ quản lại trở thành lực cản cho sự phát triển.

“Khi tôi mô tả cho các trường nước ngoài về mô hình quản lý trường ĐH của Việt Nam, họ đều nói chưa thấy nước nào quản lý ĐH ở cấp vĩ mô, thượng tầng lại phức tạp như Việt Nam. Vì họ chỉ có một cơ quan quản lý là một bộ hay một ủy ban nào đó. Nhưng Việt Nam quá nhiều cửa. Về quản lý đào tạo sang Bộ GD&ĐT; về đầu tư phải sang Bộ KH&ĐT; lĩnh vực khoa học - công nghệ thì sang Bộ KH&CN; quản lý con người do Bộ Nội vụ; quản lý tài chính gặp Bộ Tài chính…”, TS. Hiệp nói.

“Có hai điểm cần thực hiện để tự chủ ĐH. Thứ nhất, tất cả các trường cần kiện toàn hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền, không phải mang tính hình thức. Thứ hai, các trường phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức hoạt động tài chính nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật và công khai toàn dân biết và giám sát”. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam


PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, cho rằng, khi thực hiện Luật Giáo dục ĐH, cần phải rà soát, sửa đổi các luật liên quan và các quy định dưới luật. Việc tự chủ cũng phải đi kèm với các điều kiện khác như thành lập Hội đồng trường; phân tách giữa quản lý và quản trị ở trong trường ĐH; cần có sự phân cấp, phân quyền giữa nhà trường tự chủ với các đơn vị cơ sở để phát huy năng lực của các đơn vị.

Bộ chủ quản hay cơ quan quản lý?

 TS. Phạm Hiệp cho rằng, rào cản lớn nhất trong mối quan hệ giữa một trường ĐH có mức độ tự chủ cao với cơ quan chủ quản chủ yếu liên quan công tác tổ chức nhân sự. Theo thông lệ quốc tế, Hội đồng trường mới là cơ quan bổ nhiệm hiệu trưởng, nhưng trên thực tế, hầu hết các trường ĐH nước ta hiện nay vẫn theo thông lệ cũ là cơ quan chủ quản bổ nhiệm hiệu trưởng. Theo ông Hiệp, vẫn quản lý theo lề lỗi cũ, trường ĐH là một thực thể phụ thuộc vào cơ quan chủ quản. Còn theo cách tiếp cận mới, trường ĐH là một pháp nhân độc lập hoạt động theo quy định của pháp luật. Do vậy, ông Hiệp cho rằng, Việt Nam nên đặt ra lộ trình để sớm bỏ cơ quan chủ quản.

Trả lời trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, trong tự chủ ĐH, có năm nguyên tắc chung trên toàn thế giới và một nguyên tắc riêng đối với Việt Nam cũng như một số nước có hoàn cảnh đặc thù. Năm nguyên tắc bao gồm: phải xây dựng mô hình quản trị tiên tiến để lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tính dân chủ, sáng tạo, khoa học; tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình, mọi hoạt động của trường phải thực hiện pháp luật và quy chế công khai để xã hội giám sát chi tiết; Nhà nước vẫn có đầu tư để đặt hàng lao động và xây dựng cơ sở vật chất; quản lý theo luật giáo dục và các luật khác. Nguyên tắc thứ sáu, đối với Việt Nam và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, khái niệm chủ sở hữu của các trường ĐH cũng thay đổi.

Từ sáu nguyên tắc trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải hiểu rõ để có thể áp dụng vào thực tế. Trước câu hỏi “có nên bỏ cơ quan chủ quản”, Phó Thủ tướng nói rằng, thực tế trong luật pháp hiện không còn bộ cơ quan chủ quản, chỉ có khái niệm cơ quan quản lý và chủ sở hữu. Tuy nhiên, để tự chủ ĐH đáp ứng được sáu nguyên tắc trên, cần sửa luật. Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình chuyển đổi, có nhiều điểm chưa được quy định rõ, chưa có tiền lệ, nên khi xử lý phải hết sức bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ tự chủ.

MỚI - NÓNG
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
TPO - Theo ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ -  hiện nay vẫn còn một số khu vực nội ô thành phố khi trời mưa 1-2 giờ sau nước mới rút, cho thấy do năng lực thoát nước của thành phố có vấn đề