Đại học Quốc gia Hà Nội xây kênh hỗ trợ dạy học trực tuyến bậc tiểu học

0:00 / 0:00
0:00
Dạy học trực tuyến gần như chưa khả thi ở các vùng khó khăn. Ảnh: Viết Đào
Dạy học trực tuyến gần như chưa khả thi ở các vùng khó khăn. Ảnh: Viết Đào
TPO - Dự kiến kênh hỗ trợ dạy - học trực tuyến bậc tiểu học vùng khó khăn sẽ được ra mắt vào giữa tháng 9 tới trên nền tảng trực tuyến của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã quyết định xây dựng kênh hỗ trợ công tác dạy - học trực tuyến cho giáo viên phụ huynh và học sinh tiểu học vùng khó khăn, đặc biệt trong đại dịch COVID -19.

Theo Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, việc ra mắt kênh hỗ trợ dạy học trực tuyến này, sẽ phần nào hỗ trợ, chia sẻ cùng đội ngũ giáo viên tiểu học ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong mọi miền của tổ quốc đang tiếp cận công nghệ dạy học trực tuyến, đặc biệt dạy học trực tuyến gắn với chương trình sách giáo khoa mới trong thời đại dịch COVID -19 còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Thông qua kênh hỗ trợ dạy học trực tuyến của ĐHQGHN, các giáo viên bậc tiểu học sẽ thích ứng nhanh và nâng cao kỹ năng dạy học và đảm bảo được chất lượng đào tạo trong dạy học trực tuyến.

Giám đốc Lê Quân đã giao cho trường ĐH Giáo dục là đơn vị đầu mối để triển khai các nhóm vấn đề này, đây là nhiệm vụ để thể hiện được vị thế, tầm nhìn của ĐHQGHN, dẫn đầu trong việc mang lại lợi ích cho nền giáo dục.

Thông qua công tác nghiên cứu cũng như ghi nhận thực tiễn hoạt động giáo dục tại một số địa phương, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đến từ trường ĐH Giáo dục đã đề cập một số nội dung mà giáo dục tiểu học, trong đó có hoạt động dạy - học trực tuyến đang gặp khó khăn hiện nay.

Để góp phần giải quyết các nội dung đó, các chuyên gia khuyến nghị cần có sự hỗ trợ dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên vùng khó khăn; tăng cường năng lực, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên tiểu học; tập trung vào hợp tác với các địa phương có điều kiện khó khăn; tiếp tục hoàn thiện dự án kênh hỗ trợ dạy học trực tuyến để ĐHQGHN triển khai đồng bộ giáo viên các cấp trên toàn quốc, trong thời gian tới.

Các chuyên gia của trường ĐH Giáo dục cũng đã chia sẻ các phương án triển khai kênh hỗ trợ trực tuyến cho các đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh vùng khó khăn như: Bộ công cụ hướng dẫn dạy học các môn thuộc chương trình giáo dục tiểu học (tài liệu dạy học trực tuyến được số hóa); Hướng dẫn về sư phạm/tâm lí cho dạy học trực tuyến/trực tiếp; Hướng dẫn sử dụng công nghệ trong dạy học online; Diễn đàn thảo luận, …

Kênh dự kiến ra mắt vào giữa tháng 9 tới, hứa hẹn là địa chỉ tin cậy về hỗ trợ dạy học đối với giáo viên cả nước. Kênh sẽ được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để thông tin được đến trực tiếp với đội ngũ giáo viên vùng khó khăn trong thời gian sớm nhất.

MỚI - NÓNG