Những viên Ruby, Sapphire chất lượng cao sau khi chế tác.. |
Để có được nhãn quan thiên lý, nhìn thấu ngọc trong đá, họ đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt… thậm chí cả máu. Động lực thôi thúc họ chính là niềm khát khao chiếm lĩnh tinh hoa của trời, đất, vũ trụ kết tinh trong mỗi viên đá quý.
Nhắm mắt bắt… tiền tỷ
Thập niên 90 của thế kỷ trước, miền tây xứ Nghệ sục sôi bởi đá đỏ. Thời điểm đó, những thông tin sốt dẻo nhất được tung ra từ đồi tỷ, đồi triệu và hàng chục mỏ đá quý ở mảnh đất Quỳ Châu. Chuyện người ta nhặt được viên đá bằng hạt ngô, phủi bụi bán ngay chân núi cũng đút túi hàng chục, hàng trăm triệu đồng đã "đốt nóng" miền tây Nghệ An.
Kể lại câu chuyện cách đây vài thập niên nhưng trong lời nói của người đàn ông từng nổi danh “miền đá đỏ” một thời, Đinh Nho Hà (ở xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn khiến người nghe cảm nhận được cái nóng toát ra như những cơn gió Lào ngày đổ lửa. "Kiếm tiền thời đó dễ lắm. Đá đỏ nhiều đến nỗi nhắm mắt mua đá vẫn lãi tiền tỷ", anh Hà khẳng định. Anh vẫn nhớ như in những phi vụ kinh doanh đá đỏ đầu tiên trong đời: "Năm 1991, sau khi tậu một viên đá giá 42 triệu đồng tại Nghệ An, tôi tức tốc ra Hà Nội kiếm nơi đổ hàng. Trên đường đi, trong đầu chỉ nghĩ bán được 60-70 triệu đồng đã là lãi to. Ra tới nơi, khách hàng vừa nhìn viên đá đã phát giá 98 triệu đồng. Khách phát giá, còn mình thì phát sốt. Số tiền lãi nhiều gấp bội dự tính nên không ngần ngại, tôi bán ngay. Sau này, mức giá chuyển nhượng của viên đá này lên ngót 2 tỷ đồng".
Theo anh Hà, để thấy "ngọc" trong đá, bước đầu tiên phải lấy đèn soi.. |
Đó vẫn chưa phải là lần lãi nhất, ít lâu sau đó, anh mua 2 viên đá với giá 15 triệu đồng, bán được những 70 triệu đồng. Anh Hà nhớ lại lần đầu tiên gom tiền đi buôn đá, hành trang lúc lên đường chỉ vỏn vẹn có 700.000 đồng, anh tậu được viên đá đỏ hình mai rùa. Anh kể: "Mua được hàng vừa tiền chưa kịp vui, đêm về tay chân run lẩy bẩy như sốt rét vì lo... lỗ vốn. Trằn trọc cả đêm, mong mau tới sáng để bán hàng hồi vốn. Mờ sáng hôm sau, vị khách đầu tiên đặt giá 5 triệu đồng, cuối cùng, các mức giá lần lượt đội lên từ 70 đến 100 triệu đồng". Trong vòng 1 năm (từ tháng 10/1990 đến tháng 10/1991), với 700.000 đồng tiền vốn, anh đã kiếm được ngót nghét 300 cây vàng nhờ buôn đá.
Kho báu trên Núi Ngọc
Nhớ lại những tháng năm bôn ba cùng đá đỏ, kỉ niệm mà anh Hà nhớ nhất chính là lần buôn đá đầu tiên. Khi mang viên đá 42 triệu đồng ra Hà Nội bán được 98 triệu đồng, người khách tên Tuấn “béo” đã "ưu ái" thanh toán hoàn toàn bằng tiền có mệnh giá cao nhất thời đó là tờ... 5.000 đồng. Ra đi chỉ mang viên đá bằng hạt đậu, khi về, trải qua bao hiểm nguy rình rập, cuối cùng anh cũng khệ nệ vác được bao tải tiền về đến nhà. Anh vừa cười vừa kể lại: "Đó là lần đầu tiên trong đời, trong căn nhà tranh của mình lại chứa một số tiền khổng lồ đến vậy. Nhà tranh, vách liếp, không có chỗ cất, đêm đó mình đem bao tải tiền rải một lớp dầy cộm lên giường, rồi nằm lên cho thoả niềm khao khát. Sáng dậy, nhà không có tủ, toàn bộ số tiền khổng lồ đều được nhét vào... vách liếp bên hồi".
Viên đá quý hàng chục kara ở dạng thô. |
Trong nghiệp đá của mình, trải qua bao thăng trầm nhưng câu chuyện khôi hài nhất, khiến anh Hà lao tâm khổ tứ hàng năm trời, tốn không biết bao tiền của là lần tổ chức đoàn "cảm tử quân" vào "hang quỷ" tìm đá đỏ. Trở lại những năm cuối thập kỷ 1990, khi cơn sốt đá đỏ đã hạ nhiệt bằng sự can thiệp mạnh tay của chính quyền, trên vùng đá đỏ vẫn lác đác có người vào ra. Thời đó, mé đường lên núi Bản Ngọc, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp có quán bán rượu của người đàn ông tên Giàn. Qua câu chuyện, ông ta tỏ ra rất thông thạo về đất, nước miền tây xứ Nghệ và giới thiệu mình nguyên là một nhà địa chất.
Theo bật mí của ông Giàn, hang núi ở Châu Hồng cất giữ bản đồ báu vật của dòng họ Sầm, trong đó, ngoài gia phả còn có châu báu, đá quý. Ai xuống được đó chỉ chỉ cần lấy bị mà nhặt chứ không phải mất công đào bới. Tuy nhiên, theo lời ông Giàn, "đường vào hang quá bằng đường... lên giời". Ngoài khí độc, trong hang còn có những quái thú kỳ dị ẩn mình, không ai có thể lọt qua cửa hang mà nguyên vẹn hình hài. Hang sâu chừng 70m, vào sâu trong hang chừng 30m sẽ gặp một cửa hẹp. Ở đó có con rắn khổng lồ án ngữ, được dòng họ Sầm nhốt để làm thần giữ của. Bất kể ai lảng vảng ở cửa hang, ngay lập tức, con rắn khổng lồ lao ra nuốt chửng. Sau "cửa rắn thần" là nơi trú ngụ của nhiều quái thú mặt giống cú vọ, nặng hàng tạ, có hình thù giống lợn rừng. Để vào hang, ngoài việc phải vượt qua các cửa ải có quái thú trấn giữ, để tồn tại và phát hiện khí độc, người đi phải mang theo mặt nạ chống độc, phải dùng đất đèn để lúc lúc vào vùng có khí độc thì bùng cháy. Câu chuyện đậm chất huyền bí, không ai dám quả quyết thực hư nhưng tuyệt nhiên cũng chẳng thấy ai dám lảng vảng gần "hang quỷ".
Viên đá tinh thể trong suốt. |
Đột nhập "hang quỷ" tìm đá đỏ
Ở cái thời mỗi viên đá nhỏ bằng đầu đũa có giá bạc tỷ thì dường như, những câu chuyện hiểm nguy mà ông Giàn kể không ngăn được tính hiếu kỳ và khát khao làm giàu của đội quân do anh Đinh Nho Hà dẫn đầu. Sau khi chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị tối thiểu như quần áo bảo hộ, lương khô, mì tôm, giầy cao cổ, dây thừng, vũ khí... đúng đêm 30 Tết năm 1998, đội "cảm tử quân" gồm 9 người đã quyết định đột nhập "hang quỷ".
Đường xuống hang Ca-tơ, xã Châu Hồng (Quỳ Hợp-Nghệ An). |
Từng chiếc thang dây dài hàng chục mét lần lượt được thả vào hang núi đen ngòm, sâu thẳm. 4 người dũng cảm lao mình vào màn đêm đen kịt. Xuống được chừng 30m thì chiếc thang vốn là dây thừng to bằng ngón chân cái, không chịu nổi sức nặng đã giãn ra, teo lại chỉ bằng ngón tay út. Tốp 4 người tấp vội vào mỏm đá ở thành hang. Nhóm người ở trên cũng toát mồ hôi hột giữa cái rét cắt da, cắt thịt. Lúc đó, trong đầu ai cũng thoáng qua cảnh tượng chết chóc, tang thương của câu chuyện huyền bí. Không dám mạo hiểm, ngay lập tức, những chiếc thừng dài lần lượt được thả xuống kéo từng người lên.
Lần thám hiểm đầu tiên thất bại nhưng giấc mơ chiếm hữu kho báu vẫn sục sôi trong huyết quản. Anh Hà nhớ lại: "Mấy hôm đó, mọi phương pháp đổ bộ vào "hang quỷ" đều vô hiệu. Hang đá rộng như một mê cung, trong lòng như một quả bóng khí khổng lồ, nên thả dây từ miệng hang, người xuống không thể bám vào vách đá mà phải chịu cảnh treo lửng lơ.
Cuối cùng, đội chỉ còn cách cột thừng ngang lưng, thả từng người một xuống hang. Khi người đầu tiên chạm đất thì mới biết mình đang ở độ sâu ngót 70m. Chưa kịp hoàn hồn, đoàn thám hiểm lại bị choáng ngợp bởi đã thám hiểm suốt 11 ngày trời mà chưa biết lúc nào mới tới đích. Thậm chí, đến thời điểm hiện nay, những thành viên trong đoàn thám hiểm năm xưa vẫn không thể biết hang đá kéo dài đến đâu và phải đi hết mấy tháng trời mới thám hiểm xong".
Sau cả tháng trời đào bới, kiếm tìm, vàng bạc, châu báu, đá quý... chả thấy đâu, cả đoàn chỉ tìm được vỏn vẹn một mảnh binh khí bằng đồng. Sau này đi giám định mới biết mảnh binh khí đó có niên đại cách đây ngót 1.500 năm. Bù lại cho chuỗi ngày vất vả, đối diện với vô vàn những hiểm nguy, đoàn lại tìm thấy nguồn khoáng thiếc dồi dào trong hang. Sau khi khai thác được lượng lớn quặng thiếc, lần theo dòng nước, anh Hà đã tìm ra nơi tập trung quặng thiếc dồi dào tại xã Châu Hồng.
Hiện nay, tại doanh nghiệp do anh điều hành tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động địa phương. Hàng tháng, mỗi lao động được trả mức lương từ 2-3 triệu đồng/người. Mức thu nhập đều đặn này đã giúp nhiều hộ dân tại đây cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.
Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, hàng năm, anh còn đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội. Mỗi năm, anh đều trích một phần thu nhập của mình đóng góp vào quỹ khuyến học tại địa phương. Với anh Hà, mặc dù không tìm thấy châu báu như lời của ông Giàn nhưng những thành quả về kinh tế gia đình, đóng góp cho địa phương còn quý hơn bội phần.
Theo Công Tâm
Gia đình Xã hội