Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT nêu, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đề án cải tạo, phục hồi môi trường của DA được phê duyệt năm 2013, đến nay đã hơn 3 năm nên không phù hợp với các quy định về môi trường. Do đó, ĐTM cần được rà soát tổng thể và đánh giá lại cho phù hợp với thực tế.
Nguy cơ gây sạt lở, sa mạc hóa…
Đặc biệt, Bộ KH&ĐT cho rằng, DA có thể gây ra sự cố môi trường khó lường hết. Cụ thể như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ mỏ tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng. Thậm chí, DA có thể gây sụt lún mặt đất, hạ thấp mực nước xung quanh mỏ. Phương án xử lý chất lượng và số lượng nước thải vẫn còn gây quan ngại.
Bộ KH&ĐT còn đưa ra nhiều lí do khác về năng lực tài chính của chủ đầu tư, tính khả thi DA. Bộ này cho rằng, năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) không đáp ứng nhu cầu của DA.
Trước đó, DA đã 2 lần điều chỉnh giảm vốn đầu tư. Từ tổng mức đầu tư 14.500 tỷ đồng (vào tháng 12/2014), đến tháng 4/2016, vốn đầu tư DA giảm còn hơn 13.000 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 1 đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng). Đến tháng 3/2017, theo đề nghị của Bộ KH&ĐT, TIC tính toán lại hiệu quả kinh tế và tổng mức đầu tư DA giảm còn gần 12.200 tỷ đồng.
Theo Bộ KH&ĐT, việc tiêu thụ quặng sắt cũng chưa thuyết phục. Giai đoạn 2017-2021 mới có Tập đoàn Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với khối lượng 3 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2022-2027 chưa có cam kết cụ thể của bất cứ đối tác nào nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”. Trong khi, Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê.
“Việc triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê không được sự đồng thuận của tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh do còn nhiều băn khoăn về tính khả thi của DA; hiệu quả kinh tế xã hội; đầu tư cảng biển vận chuyển quặng sắt, phương án bảo vệ người dân...”, Bộ KH&ĐT cho biết.
Cùng với đề xuất dừng dự án, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập tổ công tác liên ngành do Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), TIC đánh giá tổng thể và đề xuất phương án xử lý tồn tại (về tài chính, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư dở dang).
Bộ Công Thương: Dự án có hiệu quả
Trước những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học xung quanh việc không nên triển khai dự án sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương đã nhanh chóng “phản pháo” khi cho rằng dự án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt hiệu quả và các giải pháp về môi trường.
Bộ Công Thương cũng dẫn một loạt các thông tin về việc đã có nhiều hội đồng thẩm định, viện nghiên cứu và Bộ TN-MT tham gia thẩm định rất kỹ dự án. Thậm chí, những vấn đề như hạ thấp mực nước ngầm, sụt lún và sạt lở bờ mỏ trong quá trình khai thác; giải pháp ứng phó với sự cố môi trường (động đất, nước biển dâng do biến đổi khí hậu, sóng thần; xâm nhập mặn; vấn đề cát bay, cát chảy; bãi thải lấn biển; xử lý nước thải…) đã được các chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định là phù hợp.
Về hiệu quả kinh tế, Bộ Công Thương cho rằng, hiệu quả kinh tế cập nhật tháng 3/2017 cho thấy cao hơn so với dự án phê duyệt năm 2014. Tổng mức đầu tư giảm còn 12.192 tỷ đồng so với trước đây là 14.517 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn giảm từ 9,5 năm xuống còn 7,5 năm. Ngoài ra, dự án chưa tính đến một số nguồn thu lớn khác từ khoáng sản đi kèm (sét làm gạch ngói khoảng 80 triệu m3; đá hoa đôlômit và đôlômit khoảng 145 triệu tấn), đá, cát sỏi (khoảng 280 triệu m3)…
“Nguồn nước ngọt thu từ quá trình tháo khô mỏ với khối lượng lớn, qua xử lý sẽ là nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp trong khu vực, thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận, góp phần nâng cao hiệu quả của DA. Vì vậy, DA có hiệu quả là khả thi”, Bộ Công Thương khẳng định.
Bộ Công Thương cũng nêu quan điểm cho rằng việc đề xuất dừng DA cần được xem xét thận trọng, toàn diện, phải tính đến những hậu quả liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay. Cùng đó, việc dừng DA ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam.
Dừng Dự án sẽ mất vốn nhà nước?
Trong một báo cáo gửi các cơ quan chức năng, theo TKV, nếu dừng DA sẽ xảy ra hệ lụy như phá vỡ quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã được phê duyệt. Nguồn thu ngân sách bởi các loại thuế thu từ mỏ không còn. Hơn nữa, nhà nước phải bổ sung nguồn để xử lý những tồn tại về an sinh xã hội, đất đai, hoàn thổ, công trình xây dựng dở dang.
Đối với chủ đầu tư, cổ đông bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng thực hiện việc thăm dò, khảo sát, thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, tái định cư... “Dừng DA sẽ có nguy cơ mất vốn của DN, trong đó chiếm đa số vốn nhà nước. Đây sẽ là tổn thất rất lớn và gây lãng phí cho DN, nhà nước”, TKV nói.
Được biết, vốn điều lệ của TIC là 2.400 tỷ đồng, trong đó TKV góp vốn 30%; Tổng cty Thép Việt Nam 24%; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam 4%; Cty CP khoáng sản và luyện kim Thăng Long 3%...
“Sau khi thành lập, chỉ có TKV và Cty Thăng Long góp vốn, các cổ đông còn lại không góp vốn nên thiếu vốn triển khai DA”, TIC cho biết.
Theo TIC, khi dừng DA, người dân địa phương phải chịu ảnh hưởng bởi công trình xây dựng dở dang, mất an toàn và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân, mất an ninh trật tự.
DA có nguy cơ sự cố môi trường tiềm ẩn quan ngại môi trường như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; gây sụt lún mặt đất…
Bộ KH&ĐT cảnh báo
Không nên làm
Trao đổi với báo chí về Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, GS.TS khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, vấn đề đặt ra là khai thác có lợi về mặt kinh tế, xã hội, môi trường hay không. Cách đây 20 năm, Chính phủ đã cho hãng khai khoáng lớn của Đức và Nhật Bản vào thăm dò, khai thác. Sau đó, họ dừng lại vì cho rằng không có hiệu quả.
“Ai đến hiện trường của DA (ở các xã gần thành phố Hà Tĩnh) sẽ thấy tình trạng thảm hại. Cả một vùng hoang hóa, cát, hố nước chưa khai thác bao nhiêu nhưng khá sâu. Người dân có một số rời đi nơi khác, một số ít chịu đựng hàng ngày, ăn cơm với cát, nước ngầm. Nếu chưa làm, giờ mới bắt đầu DA, tôi đứng về phía không nên làm vì chúng ta có thể làm giàu bằng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển du lịch”, GS Nguyễn Mại cho biết.