Tại phần tranh luận với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về Luật Quy hoạch, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đặt câu hỏi: Những nhận định, đánh giá của đại biểu Phương có phóng đại quá mức hay không? Nói như vậy về Luật Quy hoạch có phải là phủ nhận công lao của Quốc hội trong hai nhiệm kỳ.
Đại biểu đoàn Cao Bằng phân tích, đất đai gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng chủ yếu do việc điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt đối với các dự án lớn được điều chỉnh thường xuyên “vì lợi ích và tối đa vì lợi ích”.
“Bao vất vả mới ra được Luật Quy hoạch, đại biểu Phương bức xúc như vậy, nếu thực sự nguy hại như vậy, chắc chắn báo cáo của Chính phủ đã nêu ra”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ngay sau phần phát biểu tranh luận này, ông Nguyễn Ngọc Phương đề nghị tranh luận lại. Nhưng người điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị dừng tranh luận, vì nội dung này cũng đã được nhiều đại biểu tranh luận vào phiên họp ngày hôm qua.
Trước đó, cũng tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 30/5, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, Quốc hội cần khắc phục vấn đề nóng liên quan đến Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019, nhưng đã làm tất cả các dự án đều tạm dừng vì sự bất cập của luật.
Theo ông, Luật Quy hoạch là công cụ quan trọng giúp nhà nước quy hoạch hiến định động lực không gian để phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, để luật có hiệu lực, cần loại trừ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển, cần có thông tư, nghị định hướng dẫn các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển.
Phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương. Clip: Trường Phong
Thực trạng của Luật Quy hoạch có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước làm cho nhiều dự án đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động.
Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đã thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến vướng mắc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập hàng loạt khó khăn vướng mắc khi luật ban hành làm luật chuyên ngành hết hiệu lực, nhiều dự án chậm tiến độ. Hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh, 25 quy hoạch ngành, 368 dự án đầu tư sản xuất công thương không triển khai được vì vướng quy hoạch.
“Nếu không sớm xử lý thì tất cả đều trì trệ không tháo gỡ được khó khăn”, ông Phương nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi những sai sót vừa qua mà một số luật đã ban hành. Hoặc ban hành nghị quyết riêng để xử lý tổng thể về việc chuyển tiếp các quy hoạch bao gồm gia hạn, thời hiệu pháp luật chuyên ngành.