Bẻ cong quy hoạch

Bẻ cong quy hoạch
TP - Khi Luật Thủ đô được biểu quyết thông qua, minh chứng cho sự đoàn kết đồng lòng vượt lên trên tư duy cục bộ tất cả vì trái tim đất nước. Thế nhưng, thay vì quỹ đất sau khi di dời, cơ quan, đơn vị được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định thì hầu hết được quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng. 

Điển hình như Trường Đại học Y tế công cộng số 138B Giảng Võ trở thành tổ hợp thương mại văn phòng, căn hộ, nhà liền kề, biệt thự cao cấp…

Những sai phạm này có phải cố tình gạt đi lợi ích được các nhà lập pháp khóa XIII trân trọng trao cho nhân dân Thủ đô và các cấp quản lý? Những gì họ đấu tranh để có được từng “nút bấm” thì giờ đây thành quả đã đi đâu, phục vụ cho ai? Liệu rằng với thực trạng trên có phục hồi được những quyền lợi mà nhân dân Thủ đô lẽ ra phải được hưởng ngoài phá vỡ quy hoạch, những hệ lụy về môi trường, hạ tầng kỹ thuật và giao thông quá tải đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đô thị, chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Một trong những câu hỏi lớn khi tiếp cận báo cáo giám sát là trong công tác quy hoạch xuất hiện việc điều chỉnh theo đề xuất của nhà đầu tư. Trong 1.390 dự án có quy hoạch được điều chỉnh từ 1 - 6 lần, có bao nhiêu đề xuất điều chỉnh theo dự án của họ. Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 24,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20,33 tầng lên đến 40 tầng. Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của nhà nước thì quy hoạch lại bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời…

Do đó, tôi đề nghị trong dự thảo nghị quyết giám sát phải bổ sung đầy đủ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thuộc về Quốc hội nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những luật khung, luật ống, những chế định mập mờ, chồng chéo, không khả thi, tránh làm cho các nhận định trên trở thành căn bệnh trầm kha mãn tính trong công tác lập pháp. Những sai phạm trong quy hoạch quản lý, sử dụng đất rồi phải bị xử lý. Tuy nhiên, hệ quả của nó để lại sẽ không có báo cáo nào đánh giá hết được, đó là những hệ lụy về quyền lợi của nhân dân và nguồn lực của đất nước.

Với kết quả hết sức giá trị và ý nghĩa của cuộc giám sát này, thiết nghĩ cần nhiều hơn những biện pháp đủ mạnh và toàn diện của nghị quyết sau giám sát như đề xuất của các vị đại biểu để giải quyết các vấn đề tồn tại, không chỉ với quyết tâm chính trị mà phải bằng tinh thần cao nhất của nhà nước pháp quyền đó chính là thượng tôn pháp luật.

Văn Kiên (ghi)

MỚI - NÓNG