Chiều 24/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường còn nhiều băn khoăn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong dự thảo. Mặc dù đã quy định trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, tuy nhiên theo đại biểu đoàn Quảng Bình, dự thảo lại không có quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT đối với việc kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Ông Cường đề nghị cần làm rõ phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, của từng cơ quan để tránh trường hợp khi xảy ra vi phạm lại không rõ cơ quan nào phải chịu trách nhiệm.
Liên quan đến việc lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi, theo đại biểu, khi đưa trẻ em, người chưa thành niên đi cai nghiện, rất cần phải có ý kiến của cha, mẹ và người giám hộ trong hồ sơ để bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Đại biểu đề nghị bổ sung trong hồ sơ đề nghị bổ sung, vì quy định này cũng tương tự như hồ sơ đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) liên hệ đến thực trạng lái xe sử dụng ma túy, xảy ra những vụ tai nạn giao thông rất thảm khốc. Vì vậy, ông đề nghị trong luật phải có quy định nghiêm khắc để ngăn chặn việc này. Dù Nghị định số 100 đã có quy định tổ chức khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm ma túy đối với toàn bộ lái xe, theo ông Trí, điều này rất tốt nhưng chưa đủ, vì ma túy có đời sống trong cơ thể không dài. Hơn nữa nếu chỉ xét nghiệm, kiểm tra qua khám sức khỏe định kỳ thì người sử dụng ma túy dễ dàng trốn tránh được. Do vậy cần nghiên cứu để đưa ra quy định tổ chức xét nghiệm ma túy đột xuất với địa điểm lấy máu thay đổi, có thể là tại cơ sở y tế, tại cơ quan hoặc thậm chí ngay trên đường.
Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, thuốc lá điện tử rất nguy hại, gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm như hô hấp, tim mạch, ung thư… “Thuốc lá điện tử đang đầu độc Nhân dân qua hút chủ động, đặc biệt là hút thụ động. Thuốc lá điện tử đang nhắm chủ yếu đến người trẻ tuổi và lan rất nhanh, vì vậy gây hại rất nghiêm trọng cho thế hệ trẻ. Thuốc lá điện tử là điều kiện thuận lợi để cho người hút sử dụng ma túy. Xin có quy định nghiêm cấm ngay, đừng để phải giải quyết hậu quả khi tác hại đã quá lớn như thuốc lá truyền thống”, ông Trí nhấn mạnh.
Cần sa phối trộn trong thuốc lá điện tử
Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) viện dẫn các nghiên cứu cho rằng, phần lớn các quốc gia ASEAN đều ban hành quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vốn sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường mà phối trộn nhiều thành phần khác, không loại trừ bị lợi dụng để phối trộn cả ma túy. Thực tế, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận trường hợp cấp cứu do ngộ độc cần sa phối trộn trong thuốc lá điện tử.
“Trong khi chúng ta luôn coi thế hệ trẻ là “rường cột quốc gia” đúng theo lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh”. Nhưng ở một phương diện ngược lại thì thanh, thiếu niên lại là đối tượng mà ngành thuốc lá nhắm tới. Cái gọi là tiêu chuẩn quốc gia đó có giúp gì cho giới trẻ thêm khỏe mạnh, minh mẫn hay ngược lại gián tiếp đẩy họ sa vào con đường nghiện ngập thì tuổi trẻ sẽ chung vai, góp sức vào thịnh vượng của đất nước như thế nào? Trong khi hùng cường là khát vọng của bao thế hệ”, ông Nhân bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh, thể chế nhất định phải là môi trường “vô trùng” để bảo vệ con người, nhất là giới trẻ.
Phát biểu giải trình thêm, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm định tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định việc thông qua dự luật này theo đúng quy định.