Đại biểu Quốc hội: Rà soát, làm rõ hơn về phương tiện bay không người lái

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Tôi đề nghị rà soát và làm rõ hơn các khái niệm như tàu bay, phương tiện bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để bảo đảm thống nhất về cách hiểu so với Luật Hàng không dân dụng năm 2006”, ông Đức nêu.

Sáng 28/8, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Tại phiên họp, các đại biểu quan tâm tới quy định về tàu bay không người lái. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, việc phân loại tàu bay không người lái dựa trên mục đích sử dụng, kích thước, trọng lượng và khả năng hoạt động tại dự thảo (Điều 26) chưa thực sự rõ ràng, có thể nhầm lẫn, khó khăn trong quản lý.

Đại biểu Quốc hội: Rà soát, làm rõ hơn về phương tiện bay không người lái ảnh 1

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

Đại biểu đề nghị, cần cập nhật và cụ thể hóa vào dự thảo luật các phân loại tàu bay không người lái, bao gồm tàu bay không người lái dân sự, tàu bay không người lái quân sự, tàu bay không người lái thương mại và giải trí để các quy định này được áp dụng chi tiết, rõ ràng hơn. Đồng thời, điều chỉnh và cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm phù hợp với những tiến bộ mới trong công nghệ tàu bay không người lái.

Về cấp phép, ông Bình đề nghị, nên chăng bổ sung quy định đơn giản hóa hơn quy trình cấp phép, đặc biệt đối với tàu bay không người lái có mục đích sử dụng rõ ràng và ít rủi ro, như quay phim, chụp ảnh… Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung cho phép các cơ quan quản lý và người dùng đăng ký tra cứu, quản lý tàu bay không người lái một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội: Rà soát, làm rõ hơn về phương tiện bay không người lái ảnh 2

Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng)

Về khái niệm phương tiện bay siêu nhẹ, dự thảo luật nêu: Phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái, bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian), mà khi bay có khả năng làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và an toàn hàng không.

Theo đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng), đây là quy định được kế thừa và luật hóa từ Nghị định của Chính phủ, cũng là nội dung được nhiều đại biểu, các cơ quan, cử tri quan tâm trong dự thảo luật.

Theo ông, hiện nay, các phương tiện bay được coi là siêu nhẹ xuất hiện rất nhiều, nhất là Flycam dùng để quay phim, chụp ảnh hoặc có thể vận chuyển hàng hóa. Theo quy định trong dự thảo luật, phương tiện bay siêu nhẹ được quy định theo hình thức liệt kê gồm 4 loại là khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay. Tuy nhiên, về quy định và cách hiểu các nội dung trên chưa rõ ràng.

Đại biểu Bế Minh Đức đề nghị, dự thảo luật cần nghiên cứu, làm rõ hơn về trọng lượng của các vật thể bay là bao nhiêu thì được gọi là phương tiện bay siêu nhẹ. Đây là khái niệm cần được hiểu và giải thích đầy đủ làm cơ sở cho quá trình quản lý phương tiện bay.

“Tôi đề nghị cần rà soát và làm rõ hơn các khái niệm như tàu bay, phương tiện bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để bảo đảm thống nhất về khái niệm và cách hiểu so với Luật Hàng không dân dụng năm 2006”, ông Đức nêu.

Để quản lý tốt tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, đại biểu đề nghị có cơ chế để phân cấp, phân quyền mạnh việc cấp phép bay cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như Bộ Tư lệnh quân khu, hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Công an tỉnh, Công an huyện...

MỚI - NÓNG