Thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo quy định rõ về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không.
Trong đó, dự thảo luật quy định về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất; thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh; đăng ký, khai thác, sử dụng; đình chỉ chuyến bay; tạm giữ, thu giữ, chế áp đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ...
Cũng theo Thứ trưởng, luật còn quy định về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong khai thác, sử dụng và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết quy định cấp phép xuất khẩu cho tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ... Ý kiến khác đề nghị quy định thống nhất về thẩm quyền cấp phép nhập khẩu đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng đề nghị cân nhắc quy định điều kiện đối với người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và được đào tạo kiến thức về hàng không để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ về tác động của quy định này để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; có quy định cụ thể hơn về tiêu chí được miễn trừ cấp phép bay để thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện. Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định cho phù hợp.
Ngoài các nội dung trên, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, hướng quy định và sửa đổi luật liên quan là đưa kinh doanh tàu bay không người lái có điều kiện để cấp phép. Kể cả kinh doanh từng linh kiện cũng phải đăng ký vì người ta nhập khẩu từng linh kiện về cũng có thể lắp ráp được.
“Nguy hiểm nhất là không quản lý được thì ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, không chỉ trong thời chiến mà ngay cả thời bình. Qua các cuộc xung đột vừa qua cho thấy các nước sử dụng máy bay không người lái ít tốn kém mà hiệu quả cao, đánh trực tiếp vào mục tiêu cần đánh”, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nêu.
Về nội dung này, điều 29 dự thảo luật quy định tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải được đăng ký, quản lý tại các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Bộ Công an có trách nhiệm đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ Quốc phòng quản lý.
Cơ quan công an cung cấp thông tin đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ gắn với chủ sở hữu phương tiện bay cho Bộ Quốc phòng để phối hợp quản lý...
Bên cạnh đó, dự thảo quy định rõ thẩm quyền cấp phép bay và nguyên tắc được xem xét miễn trừ cấp phép bay khi khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký, cấp phép bay; khu vực bay, danh mục thiết bị bay, phân loại mục đích sử dụng và các trường hợp cụ thể được miễn trừ cấp phép bay.