Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, việc quản lý sông trong lưu vực liên quốc gia là vấn đề rất lớn. Bởi đây không chỉ đơn thuần là việc quản lý khoa học mà còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác. Đặc biệt nước ta lại nằm ở khu vực hạ lưu, còn phía thượng nguồn lại thuộc về các quốc gia khác. Theo bà An, vấn đề này đã có những đàm phán trong quản lý dòng sông và theo nguyên tắc, các bên đều phải có những cam kết chung. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào cam kết ấy cũng được thực hiện đúng.
Trước sự việc Trung Quốc xả lũ, nước sông Hồng dâng cao gây ngập lụt ở Lào Cai, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, trước tiên phải tìm hiểu rõ nguyên nhân. Theo bà An, việc này nhất thiết “phải có sự đàm phán ở cấp quốc gia” mới ra được vấn đề. Qua đó cần rà soát lại các cam kết trước đây các nước đã ký, xem từng bên thực hiện đến đâu.
“Các nước có cam kết khi xả lũ phải báo trước không? Việc giải quyết hậu quả trong tình huống bất khả kháng phải thế nào? Việc khắc phục xử lý thiệt hại ra sao? Phải rà lại những cam kết, quy chế xem còn chỗ nào chưa chuẩn không để bổ sung. Nếu như quy chế đã rõ ràng, chuẩn mực, bên nào không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, những quy định về việc này đều đã có”, bà An nói.
Theo đại biểu Bùi Thị An, những cam kết về sông Mê Kông có Ủy ban sông Mê Kông, đối với sông Hồng cũng phải là cấp Nhà nước đàm phán, qua đó Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ NN&PTNT hay bộ nào đó, nhưng phải phân cấp rõ.
“Việc này không những là liên tỉnh mà còn liên quốc gia, nếu chỉ để địa phương chống chọi sẽ không hiệu quả”, bà An nói và thông tin, khi đi giám sát về thủy điện mới thấy việc quản lý sông liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia là vấn đề rất lớn, nhất là với những nước ở hạ nguồn. Tuy nhiên, theo bà An thì đây là vấn đề rất nhạy cảm, tế nhị, có những cái “không thể nói hết được” trong bối cảnh hiện nay.