Đại biểu Quốc hội: 'Không nương tay' khi lấy phiếu tín nhiệm

Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm và công bố kết quả ngày 25/10
Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm và công bố kết quả ngày 25/10
TPO - Các đại biểu Quốc hội và những người trong diện lấy phiếu tín nhiệm chia sẻ cởi mở sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố.

Ngày 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang nghị trường sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ông thấy vui vì kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy những đánh giá, ghi nhận của Quốc hội dành cho ông.

Theo kết quả kiểm phiếu, ông Thanh nhận được 263 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 54,23% tổng số đại biểu Quốc hội); 182 phiếu tín nhiệm (chiếm 37,53% tổng số đại biểu Quốc hội) và 29 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 5,98% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nói về việc có hơn 5% phiếu “tín nhiệm thấp”, ông Thanh bày tỏ: “Đây là điều phải suy nghĩ, phải cố gắng. Số phiếu này cho thấy mình cũng chưa làm tốt hết các công việc”.

Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đánh giá của các đại biểu Quốc hội qua việc lấy phiếu tín nhiệm là “khách quan, dân chủ”.

“Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm, tôi cũng phân tích để thấy những gì mình đã làm được, những gì chưa làm được. Qua những phiếu tín nhiệm thấp, tôi thấy mình cần cố gắng hơn nữa, khắc phục những hạn chế, làm tốt hơn công việc, nhiệm vụ được giao phó”, bà Hải cho hay.

Theo kết quả kiểm phiếu, bà Hải nhận được 279 phiếu tín nhiệm cao; 171 phiếu tín nhiệm và 25 phiếu tín nhiệm thấp.

Về phía đại biểu Quốc hội, nhiều người cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, vừa thể hiện yêu cầu cao của đại biểu, vừa cho thấy những cố gắng của các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm.

Đánh giá về việc bộ trưởng hai ngành có số lượng phiếu “tín nhiệm thấp” tương đối cao là giao thông và giáo dục, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, thời gian qua hai ngành này có một số sự cố mà người dân, đại biểu Quốc hội quan tâm. Những sự cố này ảnh hưởng nhất định đến cái nhìn của đại biểu với tư lệnh ngành vào thời điểm này.

Tất cả 48 chức danh lấy phiếu tin nhiệm đều có số phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” cộng lại trên 50%, chứng tỏ đại biểu quốc hội ghi nhận cố gắng của những người điều hành trong từng lĩnh vực.

“Tôi cho rằng, việc đánh giá như vậy không phải nương tay. Đại biểu Quốc hội thể hiện cho mong muốn của cử tri, nhưng một mặt cũng thể hiện sự chia sẻ với những khó khăn mà những người đứng đầu các ngành, các lĩnh vực”, ông Thắng đánh giá.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng, cả một nhiệm kỳ Quốc hội mới có một đợt lấy phiếu tín nhiệm. Nhưng quan trọng nhất là sự đánh giá của người dân thông qua truyền thông, báo chí và nhiều kênh khác.

Người dân cũng thừa trình độ để đánh giá công việc của từng người. Đương nhiên chúng ta cũng phải đánh giá công bằng xuất phát điểm của đơn vị, ngành đó như thế nào. “Nhưng tôi nghĩ, chính những nơi càng khó khăn càng trở thành cơ hội để thể hiện, thực hiện ý tưởng”, bà Phong Lan cho hay.

MỚI - NÓNG