Đại biểu HĐND Cần Thơ chất vấn nhiều vấn đề bức xúc

TPO - Tình hình ngập lụt, sụt lún, các khu dân cư tự phát... trên địa bàn được các đại biểu nêu lên tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra sáng nay (7/12).

Xử lý các khu dân cư tự phát

Nêu vấn đề về các khu dân cư (KDC), đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cho biết cử tri đồng tình với việc xử lý các KDC tự phát, việc phân lô bán nền để có lời, do lợi dụng sự buông lỏng quản lý một số địa phương, cán bộ.

Nhưng sau khi được chấn chỉnh, xử lý thì các thủ tục về việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất ở... đối với những hộ gia đình, người dân có nhu cầu chính đáng lại gặp khó khăn vướng mắc khi đối chiếu lại các quy định về hạn mức diện tích tách thửa, chuyển mục đích sử dụng...

Đại biểu HĐND Cần Thơ chất vấn nhiều vấn đề bức xúc ảnh 1 Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: CK

“Cử tri mong muốn Sở TN&MT, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, UBND các quận huyện quan tâm, nắm bắt nhu cầu chính đáng của người dân để tham mưu những quy định sát, đúng để giúp dân” - ông Hùng trình bày.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ cho biết Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương phối hợp quyết liệt rà soát, các nhân, cơ quan nào thực hiện không đúng về quản lý đất đai thì bị xử lý.

Hiện những người mua nền KDC tự phát, Luật Đất đai năm 2013 quy định có kẽ hở ở quy định diện tích tối thiểu tách thửa. Qua rà soát lại thì có một số KDC phù hợp với quy hoạch đất, kế hoạch sử dụng đất, có hạ tầng điện nước. Vấn đề này sở đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét cho chuyển mục đích sử dụng đất để ổn định cuộc sống người dân.

Ông Sử cũng cho rằng công tác quản lý đất công thời gian qua được thành phố thực hiện khá chặt chẽ, khai thác hiệu quả... Tuy nhiên, cụ thể, việc quản lý, khai thác như thế nào, giải pháp sắp tới ra sao thì sẽ có báo cáo gửi cho đại biểu sau.

Chủ tọa kỳ họp - ông Phạm Văn Hiểu - Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ lưu ý bà con nên tìm hiểu thông tin trước khi mua đất để tránh vào các KDC tự phát, không đúng quy hoạch. Còn chính quyền địa phương nên tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra việc xây dựng KDC tự phát. Nơi nào đúng quy hoạch thì chính quyền nên tạo điều kiện để hợp thức hóa chỗ ở cho người dân.

Các đại biểu cho biết thêm, cử tri đề nghị khi thực hiện các dự án có liên quan đến giải quyết tái định cư, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân cần phải thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định, lưu ý đến sự an dân...

Đại biểu HĐND Cần Thơ chất vấn nhiều vấn đề bức xúc ảnh 2 Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ trả lời chất vấn. Ảnh: CK

Ngập lụt khó kiểm soát

Một trong những vấn đề bức xúc được các đại biểu quan tâm là những năm gần đây, tình trạng ngập lụt đô thị, sụt lún đất trên địa bàn thành phố diễn biến hết sức phức tạp cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt trong năm 2018, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và cuộc sống của người dân, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về vấn đề này, ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ cho biết nguyên nhân gây ngập trên địa bàn đô thị là do cao độ hiện trạng đô thị thấp, khi triều cường cao dễ bị ngập; hơn nữa, mưa lớn xảy ra nhiều hơn, bất thường hơn, vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước hiện hữu.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, hệ thống thoát nước đầu tư không theo kịp, kênh rạch bị lấn chiếm, một số khu dân cư, đô thị bị lún qua các năm. Tình trạng ngập nghiêm trọng xảy ra ở hầu hết các tuyến đường quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Thời điểm đỉnh triều cao 2,23m, trên địa bàn quận Ninh Kiều có 60 tuyến đường chính bị ngập, với 107 điểm ngập, ngập từ 0,1 - 0,65m, thời gian ngập từ 2 - 4 tiếng.

“Để có giải pháp tổng thể, UBND thành phố đã và đang lập, phê duyệt các quy hoạch về thoát nước, quy hoạch cao độ nền, quy hoạch thủy lợi... Hiện nay, thành phố cũng đang triển khai thực hiện đồ án quy hoạch thoát nước đã được duyệt, đặc biệt là việc triển khai dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và Tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, với nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, tổng mức đầu tư khoảng 322 triệu USD...” - ông Toàn cho hay.

Đề cập vấn đề thu ngân sách, đại biểu Trần Phú Lộc Thành (huyện Thới Lai) cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp thành phố thu nội địa không đạt dự toán, cơ cấu thu cũng không bền vững khi chủ yếu tăng thu từ nguồn thuế bảo vệ môi trường và đặc biệt nguồn thu tiền sử dụng đất, trong khi nguồn này là hữu hạn.

Còn 3 nguồn thu chính chiếm hơn 50% dự toán là thu từ DNNN, thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh đạt rất thấp. “Chính kết quả các nguồn thu này là phong vũ biểu phản ánh sức khỏe nền kinh tế. Nhưng có một nghịch lý là tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của chúng ta vẫn tăng, luôn đạt và vượt so với kế hoạch.” - ông Thành phát biểu.

Ngoài ra, theo số liệu thống kê thì hiện thành phố vẫn còn 404 tỷ đồng vốn ứng trước cho các dự án đầu tư trên địa bàn từ năm 2016 về trước chưa được thu hồi, đặc biệt vẫn còn 300 tỷ đồng từ năm 2014. Theo quy định, nguồn vốn ứng trước cho các dự án phải được bố trí kế hoạch thu hồi trong năm sau và Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị thực hiện.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ cho biết đa số đó là các công trình của hội khỏe phù đổng, vốn của trung ương, Kiểm toán cũng đã nhắc nhiều lần nhưng vẫn đang... treo.

MỚI - NÓNG