Đại biểu Hà Nội chất vấn về chất lượng các hội nghị xúc tiến đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên chất vấn sáng 9/12
Quang cảnh phiên chất vấn sáng 9/12
TPO - Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về hiệu quả thực sự tại các hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố đã tổ chức. Bởi có nhiều dự án chỉ ký biên bản ghi nhớ, chứng nhận đầu tư rồi... để đấy.

Sáng 9/12, kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội dành trọn ngày làm việc cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Mê Linh) cho rằng, việc tổ chức các hội nghị xúc tiến hợp tác đầu tư của Hà Nội tạo kết nối hợp tác sâu rộng với các địa phương, khẳng định vị trí Thủ đô, nhưng có nhiều dự án đã được trao quyết định đầu tư nhưng chưa được triển khai. Đại biểu Cường đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội (KH&ĐT) cho biết việc thanh tra kiểm tra đôn đốc thực hiện các thủ tục và giải pháp của ngành trong thời gian tới với vấn đề này?

Đại biểu Lê Vĩnh Sơn (tổ huyện Mỹ Đức) đề nghị Sở KH&ĐT cho biết tại các hội xúc tiến đầu tư có khá nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết nhưng đến nay chưa được thực hiện, vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp đôn đốc trong thời gian tới?

Đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) thì đề cập đến các dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm của thành phố luôn được ưu tiên bố trí vốn, nhưng triển khai thực tế không đạt yêu cầu. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết nguyên nhân và giải pháp?

Giám sát chặt, thu hồi dự án đầu tư chậm tiến độ

Làm rõ những chất vấn của các đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, về việc thực hiện tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố từ năm 2017 đến nay, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, với tổng số vốn dự án là hơn 548 ngàn tỷ đồng. Đến nay đã có 54 dự án hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng.

Đại biểu Hà Nội chất vấn về chất lượng các hội nghị xúc tiến đầu tư ảnh 1

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội trả lời chất vấn

Tuy nhiên, ông Tuấn nhìn nhận, việc triển khai các dự án còn chậm do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, có thay đổi Luật Đầu tư. Trên cơ sở đó, thành phố yêu cầu rà soát lại các trình tự thủ tục pháp lý của các dự án. Trong quá trình tổ chức, việc xử lý vi phạm của các nhà đầu tư như vi phạm công tác PCCC, nghĩa vụ về đất đai, bảo hiểm xã hội, tài chính…

Ngoài ra, một số nhà đầu tư còn chưa tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc hoàn thiện thủ tục. “Việc chậm cũng có trách nhiệm của các sở ngành trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư tổ chức đầu tư”, ông Đỗ Anh Tuấn nói.

Sở KH&ĐT đã phối hợp tích cực đối với các nhà đầu tư hướng dẫn các thủ tục triển khai. Trong thời gian qua, Sở KH&ĐT đã tham mưu thành phố nhanh chóng sửa đổi quy trình tổ chức thực hiện đầu tư. Đến nay, Sở KH&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện quy trình đầu tư, giải quyết những vướng mắc tồn đọng của các nhà đầu tư. Trong đó, vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng (GPMB), chủ trương đầu tư.

Về giải pháp, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, các bộ, ngành đã kiến nghị sửa đổi sửa Luật Đầu tư, nhà ở, đất đai để có thể triển khai được các dự án sử dụng đất trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ về biên bản cam kết, ghi nhớ tại hội nghị, ông Tuấn thông tin: Qua các hội nghị, thành phố đã ký kết 34 biên bản cam kết đầu tư, 70 biên bản ghi nhớ. Trong đó đã hoàn thành 25/34 cam kết. Đối với 70 biên bản ghi nhớ thì chậm triển khai nguyên nhân là biên bản này chỉ là ghi lại trao đổi giữa chủ đầu tư với cơ quan chức năng. Sau khi xem xét thực trạng, nghiên cứu thực tế thì họ không đảm bảo thực hiện được theo đúng những nội dung đã cam kết.

Về giải pháp, sở tham mưu thành phố các giải pháp về cải cách hành chính để các thủ tục liên thông giữa các sở, ngành, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy trình thủ tục. Ngoài ra, sở sẽ giám sát đầu tư, thanh tra kiểm tra, kết luận, xử lý phù hợp, để đáp ứng đúng kỳ vọng của người dân.

“Sở cam kết với HĐND thành phố sẽ tích cực tham mưu cho thành phố để đẩy nhanh tiến độ chứng nhận đầu tư đối với các dự án; giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện đầu tư của các dự án để báo cáo thành phố các dự án chậm tiến độ, không đủ điều kiện thì sẽ tiến hành thu hồi", ông Tuấn nói.

Về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công ở một số công trình trọng điểm, ông Tuấn cho biết, có 55 công trình trọng điểm thành phố ưu tiên vốn giải ngân. Tuy nhiên, năm 2019 Luật Đầu tư công sửa đổi khiến nhiều dự án vốn ngân sách, dự án ODA phải rà soát; một số dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) phải chuyển sang hình thức khác... dẫn đến chậm tiến độ.

Trên cơ sở rà soát đánh giá tồn tại các dự án trọng điểm, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND thành phố tập trung thực hiện 39 dự án trọng điểm, phân kỳ thực hiện hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025.

MỚI - NÓNG