Vì sao bác sĩ giỏi ra đi?
Đánh giá đây là một chủ trương đúng, song đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, mặt trái của cơ chế thị trường đã làm chênh lệch lớn thu nhập giữa bác sĩ bệnh viện công và tư. Điều này khiến một bộ phận bác sĩ xin nghỉ việc ở bệnh viện công để sang tư nhân làm. Vậy có chính sách gì để giữ chân đội ngũ y bác sĩ giỏi ở lại bệnh viện công lập?
Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân cho biết, địa phương này có 13 bệnh viện tự chủ, cái vướng nhất cũng liên quan đến vấn đề nhân sự, khi được giao quyền tự chủ nhưng các bệnh viện lại không được tự quyết. Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn chỉ rõ, theo luật hiện hành, bệnh viện không thể bổ nhiệm cán bộ nếu người đó không phải là công chức, viên chức… Vậy giải pháp để tháo gỡ vướng mắc này?
Giải trình những băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận do vướng nhiều quy định, có bác sĩ giỏi nhưng không được bổ nhiệm vị trí cao hơn, dẫn đến chán nản, chuyển sang làm tư nhân. Bà Tiến lý giải, dù Bộ đã giao quyền tự quyết, song ở một số nơi, UBND, hoặc Sở Y tế vẫn quyết định việc bổ nhiệm nhân sự. Bộ trưởng mong muốn các địa phương để bệnh viện tự chủ hoàn toàn, được quyền tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự...
Về việc này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, tới đây sẽ có quy định về đãi ngộ, trọng dụng nhân tài. Khi đó, các đơn vị tự chủ được phép trả lương trên cơ sở hiệu quả công việc, đồng thời có đãi ngộ tốt để giữ chân cán bộ y tế giỏi.
Chống lạm thu,“móc túi” người bệnh
Nêu chất vấn, đại biểu đoàn Hà Nội, GS.TS Nguyễn Anh Trí đặt vấn đề giá dịch vụ y tế hiện chưa có sự thống nhất, dẫn đến tình trạng nơi chưa được thu đủ, nơi thì thu thêm. Có nơi giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt là tự chủ về công tác cán bộ, về tài chính. Vậy trách nhiệm thuộc về ai và khi nào tháo gỡ xong? Làm sao chống được tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công?
Về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ra hai loại ý kiến, có người nói phải quản chặt hơn, tránh tư nhân hóa bệnh viện công, nhưng cũng có ý kiến lại bảo, nếu quản chặt quá thì bệnh viện công không “thở” được. Chẳng hạn về biên chế, khi tự chủ, bệnh viện mở thêm dịch vụ, mở thêm phòng bệnh thì cần nhiều nhân lực hơn, nhưng vì đụng đến biên chế lại rất khó, vì nhà nước quản. Theo bà Tiến, giải pháp để tháo gỡ vướng mắc là phải thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ hợp lý. Nghĩa là khi giá được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, về nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ.
Ghi nhận từ thực tế, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị bộ trưởng làm rõ nguyên nhân một số bệnh viện tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ, kỹ thuật cao để “móc túi” người bệnh. Về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải, cơ chế tự chủ buộc các đơn vị phải đầu tư trang thiết bị, giường bệnh, trả lương, rồi nâng cao chất lượng các dịch vụ để thu hút người bệnh… Cũng chính vì mục đích tăng thu để đầu tư nên có xảy ra tình trạng lạm thu như chỉ định sử dụng thuốc, kỹ thuật ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả, kéo dài thời gian nội trú…
Theo bà Tiến, để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các bệnh viện, đồng thời hoàn thiện các tiêu chuẩn, danh mục trong khám chữa bệnh.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đến nay 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; khối bệnh viện do Bộ Y tế quản lý đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên. Bà Tiến cho biết, qua khảo sát cho thấy, mức độ hài lòng người bệnh nội trú hơn là 80% đối với các bệnh viện tự chủ, đây là con số “vượt cả mong đợi”.
Cùng với đó, quá trình tự chủ cũng giúp giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Cụ thể, năm 2018 so với năm 2015 đã giảm được khoảng gần 9.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ cũng có những tồn tại, bất cập, như tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết, ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn; còn chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc.