BHXH bắt buộc giảm do dịch bệnh
Thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2020, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ tiền đóng với người tham gia BHXH tự nguyện hơn 137 tỷ đồng (tăng 35% so với năm 2019).
Bên cạnh đó, đã có 3 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Trong đó, có 1 công ty đã thành lập 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện thu hút được gần 200 lao động của 2 doanh nghiệp tham gia đóng góp; tổng tài sản của 3 quỹ này trên 71 tỷ đồng.
Đến hết năm 2020, có hơn 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, giảm hơn 153.000 người so với năm 2019 (giảm 1%). Đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều người lao động bị mất việc làm.
Tổng thu BHXH bắt buộc năm 2020 trên 261 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước đó), với tiền lương bình quân căn cứ đóng BHXH của người lao động trên 5,6 triệu đồng/tháng (tăng 6%). Bên cạnh đó, số tiền BHXH bắt buộc chậm đóng trên 12 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 4% số tiền phải thu.
Tổng số chi các chế độ BHXH từ nguồn ngân sách nhà nước năm vừa qua trên 47,1 nghìn tỷ đồng (giảm 115 tỷ đồng so với năm 2019); Quỹ BHXH đã chi chế độ trên 193,6 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 15 nghìn tỷ đồng so với năm trước đó); đã có trên 860 nghìn người hưởng BHXH một lần (tăng hơn 6% so với năm 2019).
Theo ông Dung, quy mô các quỹ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng, tổng kết dư 2 quỹ này hết năm 2020 đạt 953 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 14% so với năm 2019).
BHXH tự nguyện tăng gấp đôi
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày trước Quốc hội |
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2020, có hơn 13,3 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, giảm nhẹ so với năm trước đó. Bên cạnh đó, đã có hơn 1 triệu người được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 30% so với năm 2019), với số tiền chi trợ cấp trên 17 nghìn tỷ đồng. Điều này cũng được lý giải do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến nhiều người lao động mất việc làm.
Tuy vậy, theo ông Dung, điểm sáng của năm vừa qua là tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng, đạt hơn 1,1 triệu người, tăng gấp đôi năm trước đó. Số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW.
Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, ngành BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong những năm gần đây và tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được. BHXH Việt Nam đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành (27/27 thủ tục hành chính). Ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động đã đạt được những kết quả tích cực và hướng tới quản lý, công khai và kiểm soát tốt hơn quá trình tham gia BHXH của các bên.
Ông Dung kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật BHXH tại trung ương và địa phương, đặc biệt về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; về quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo định hướng của Nghị quyết 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH; sửa đổi quy định về các hình thức đầu tư để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, ông Dung cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo định hướng cải cách chính sách Bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết 28-NQ/TW.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện cả nước có trên 151.000 tổ chức, cá nhân có trả thu nhập nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động; trên 213.000 tổ chức, cá nhân chưa tham gia đầy đủ. Cơ quan BHXH đã tiến hành rà soát trên 196.000 doanh nghiệp và xác định được gần 388.000 lao động thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc.