Đã thu nhận được tín hiệu từ vệ tinh VNREDSat-1

Đã thu nhận được tín hiệu từ vệ tinh VNREDSat-1
15g chiều 7-5, TS Bùi Trọng Tuyên- Trưởng ban quản lý dự án vệ tinh nhỏ- Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết những tín hiệu đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1 truyền về đã được thu nhận.

Đã thu nhận được tín hiệu từ vệ tinh VNREDSat-1

> Phóng thành công vệ tinh VNRED Sat -1 lên vũ trụ

> Vệ tinh Việt Nam chờ thời tiết 

15g chiều 7-5, TS Bùi Trọng Tuyên- Trưởng ban quản lý dự án vệ tinh nhỏ- Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết những tín hiệu đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1 truyền về đã được thu nhận.

Mô hình vệ tinh VNREDSat-1. Ảnh: TTXVN
Mô hình vệ tinh VNREDSat-1. Ảnh: TTXVN.
 

Điều này cho thấy sau khi tách khỏi tên lửa Vega, vệ tinh VNREDSat-1 đã khởi động động cơ đẩy của mình để tự điều chỉnh tới quỹ đạo làm việc một cách chính xác.

Những bức ảnh vệ tinh đầu tiên chụp từ VNREDSat-1 dự kiến sẽ được thu nhận vào ngày 9-5.

Trước đó, lúc 1 giờ 57 phút 28 giây sau khi tên lửa Vega phóng lên vũ trụ, tức 11g03 giờ Việt Nam, vệ tinh VNREDSat-1 tách hẳn ra khỏi tên lửa và điều chỉnh để chuẩn bị đi vào quỹ đạo chính xác.

11g03 giờ Việt Nam, vệ tinh VNREDSat-1 tách hẳn ra khỏi tên lửa, đánh dấu vệ tinh được phóng thành công - Ảnh: QUANG THẾ
11g03 giờ Việt Nam, vệ tinh VNREDSat-1 tách hẳn ra khỏi tên lửa, đánh dấu vệ tinh được phóng thành công - Ảnh: QUANG THẾ.
 

Sự kiện vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 tách khỏi tên lửa, bay vào vũ trụ thành công, đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ năm trong khu vực có vệ tinh viễn thám, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore.

Vệ tinh VNREDSat-1 bay vào vũ trụ thành công

Sau thời khắc lịch sử 9 giờ 6 phút 31 giây ngày 7-5 (giờ Việt Nam), tên lửa đẩy Vega được phóng vào vũ trụ, các tầng chứa nhiên liệu của tên lửa lần lượt được tách khỏi tên lửa đẩy. Sau khoảng 2 phút đầu, tầng chứa nhiên liệu dưới đáy thấp nhất được tách ra khỏi tên lửa. Các tầng chứa nhiên liệu tiếp theo được lần lượt tách ra để tên lửa đi vào trong quỹ đạo. Vệ tinh được tách khỏi tên lửa đầu tiên là vệ tinh Proba-V (Bỉ).

1giờ 37 phút sau khi phóng lên vũ trụ, tên lửa đem theo vệ tinh VNREDSat-1 ở độ cao 715km, đạt vận tốc 7,61km/giây. Đến 1 giờ 43 phút sau khi phóng, độ cao tên lửa tiếp tục giảm xuống ở mức 695 km, vận tốc đạt 7,63km/giây. 1 giờ 51 phút sau khi phóng, nắp bảo vệ buồng chứa vệ tinh VNREDSat-1 được tách ra.

1 giờ 57 phút 28 giây sau khi tên lửa Vega phóng lên vũ trụ, tức 11g 3 phút, vệ tinh VNREDSat-1 tách hẳn ra khỏi tên lửa và điều chỉnh để chuẩn bị đi vào quỹ đạo chính xác. Cả hội trường Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam rộn ràng những nụ cười, những cái bắt tay chúc mừng và tràng pháo tay kéo dài cho thời khắc đặc biệt.

2 giờ 8 phút sau khi phóng, vệ tinh vệ tinh ESTCube-1 (Estonia) cũng tách khỏi tên lửa bay vào quỹ đạo.

9 giờ 6 phút 31 giây ngày 7-5 (giờ Việt Nam), tên lửa đẩy Vega được phóng vào vũ trụ - Ảnh: QUANG THẾ
9 giờ 6 phút 31 giây ngày 7-5 (giờ Việt Nam), tên lửa đẩy Vega được phóng vào vũ trụ - Ảnh: QUANG THẾ.
 

14g30 ngày 7-5: Sẽ thu được những tín hiệu đầu tiên

Theo Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Dự án VNREDSat-1 này nhằm thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu nhận chuyển giao công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất và đào tạo được một nhóm chuyên gia, kỹ sư nòng cốt của Việt Nam tiến tới thiết kế lắp ráp các vệ tinh nhỏ tại Việt Nam.

Với dự án này, lần đầu tiên Việt Nam hình thành được một nhóm đồng bộ trong lĩnh vực vệ tinh quan sát trái đất, được đào tạo để không chỉ vận hành, khai thác vệ tinh mà còn tham gia tiếp cận vào quy trình thiết kế, chế tạo một vệ tinh nhỏ.

Theo TS Bùi Trọng Tuyên- trưởng ban quản lý Dự án vệ tinh nhỏ- Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, với VNREDSat-1, Việt Nam sẽ tạo ra được tính chủ động về thời gian, khu vực khi chụp ảnh vệ tinh, không phải chờ đợi từ nguồn cung cấp duy nhất từ nước ngoài như trước đây. Đây là điều khác biệt cơ bản giữa việc có hay không có vệ tinh quan sát Trái Đất riêng. VNREDSat-1 sẽ giúp Việt Nam có thể cung cấp số lượng lớn ảnh vệ tinh quang học có độ phân giải cao theo nhu cầu cho các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường ĐH thực giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh-quốc phòng…

Với thiết kế của VNREDSat-1, dự kiến khi đi vào hoạt động, mỗi ngày vệ tinh sẽ chụp được khoảng 100 ảnh, kích thước 20x20 cm. Trong khi đó, để mua ảnh vệ tinh chụp khu vực Việt Nam, lâu nay chúng ta phải mua với giá lên đến 2.000 USD-5.000 USD/ảnh. Ngoài ra, dù phải trả số tiền khá đắt để mua ảnh vệ tinh, các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu về ảnh vệ tinh vẫn phải chờ đợi 1-2 ngày sau mới nhận được ảnh của đối tác nước ngoài.

11 giờ 10 phút, phát biểu chào mừng thành công sự kiện đặc biệt này, GS Châu Văn Minh- chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, cho hay khoảng 14g30 phút ngày 7-5 sẽ thu nhận được tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh VNREDSat-1. Hai ngày sau, Việt Nam có thể thu nhận được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1. Những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ Việt Nam có thể sẽ có được và công bố ngay trong ngày 10-5. Giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong ba tháng tiếp theo trước khi được bàn giao chính thức cho Việt Nam.

Những thông số xuất hiện thường xuyên khi tên lửa đi vào vũ trụ - Ảnh QUANG THẾ
Những thông số xuất hiện thường xuyên khi tên lửa đi vào vũ trụ - Ảnh QUANG THẾ.
 

9 giờ 06, tên lửa đẩy Vega đem theo vệ tinh VNREDSat-1 đã phóng vào vũ trụ

Đúng 9 giờ 6 phút 31 giây, tên lửa đẩy Vega đem theo vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng vào vũ trụ.

Lần phóng vào vũ trụ này, tên lửa Vega mang theo 3 “hành khách” là các vệ tinh Proba-V (Bỉ), VNREDSat-1 (Việt Nam) và ESTCube-1 (Estonia).

Hồi hộp đến phút chót

So với kế hoạch ban đầu, vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 được phóng vào vũ trụ ngày 4-5, lịch phóng chính thức vệ tinh này đã phải lùi lại ba ngày vì lý do thời tiết bất lợi ở sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp.

Buổi lễ tường thuật trực tiếp cùng lễ chào mừng sự kiện này đã được Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam phối hợp với Công ty Astrium thuộc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Châu Âu (EADS) tổ chức sáng 7-5.

Những hình ảnh về quá trình thiết kế, chế tạo vệ tinh đồng thời được cả Việt Nam và Pháp thực hiện cho thấy sự kết tinh của khoa học kỹ thuật cao trong một dự án vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam.

Hình ảnh sẵn sàng phóng lên vũ trụ của tên lửa trên màn hình làm nức lòng những nhà khoa học, những người đam mê công nghệ vũ trụ tham gia trực tiếp tại buổi lễ.

9 giờ sáng - trước lịch phóng khoảng 6 phút- ông Bùi Trọng Tuyên- trưởng ban quản lý dự án cho biết tất cả các thong số kỹ thuật đã chuyển sang màu xanh thể hiện sự sẵn sàng phóng tên lửa Vega, chỉ có yếu tố thời tiết vẫn ở trạng thái chờ ở màu cam.

Tuy nhiên, ngay sau đó một phút, tất cả các đèn báo cho trạng thái sẵn sàng của tên lửa đều đã chuyển sang màu xanh. Cả hội trường lớn của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam rộ lên những tràng vỗ tay phấn khích.

Dự án VNREDSAT-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro, từ vốn vay viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Pháp và 65 tỷ đồng vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam. Vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam sẽ được Công ty Arianespace phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy VEGA từ sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp. Công ty Arianespace cũng đã thực hiện phóng thành công 2 vệ tinh viễn thông Vinasat 1 và Vinasat 2 của Việt Nam.

“Thời khắc lịch sử”

Đúng 9 giờ 6 phút 31 giây, tên lửa đẩy Vega được phóng vào vũ trụ. Sau khoảng 2 phút đầu, tầng chứa nhiên liệu dưới đáy thấp nhất được tách ra khỏi tên lửa. Các tầng chứa nhiên liệu tiếp theo được lần lượt tách ra.

Phút thứ 9, độ cao của tên lửa ở khoảng 280 km, vận tốc 7,8-8km/giây. Càng lên cao, tốc độ của tên lửa càng được đẩy cao hơn. Phút thứ 12, tốc độ tên lửa giữ mức ổn định quanh mốc 7,96km/giây và độ cao đạt 300km.

Tên lửa đẩy VEGA được sử dụng trong lần phóng này là một chủng loại tên lửa mới, được phát triển bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Với chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt Trái đất, Vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam sẽ có quỹ đạo làm việc khác rất nhiều so với các vệ tinh viễn thông mà chúng ta đã đưa lên quỹ đạo trước đây.

Các chuyên gia theo dõi phóng vệ tinh qua màn hình - Ảnh: QUANG THẾ
Các chuyên gia theo dõi phóng vệ tinh qua màn hình - Ảnh: QUANG THẾ.
 

Vệ tinh VNREDSat-1 nặng 115 kg của Việt Nam sẽ rời tên lửa đẩy sau khi cất cánh 1 giờ, 57 phút và 24 giây. Sau đó, VNREDSat-1 sẽ tự di chuyển đến quỹ đạo đã định để đi vào hoạt động.

Theo Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 nằm trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời (SSO) cho phép vệ tinh chuyển động trên toàn cầu và có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt Trái đất từ độ cao xấp xỉ 663 km.

Vệ tinh VNREDSat-1 tại Trung tâm thử nghiệm của sân bay vũ trụ Kourou, Guyana thuộc Pháp trước khi được lắp đặt vào khoang chở hàng trên tên lửa đẩy VEGA (Ảnh: Ban quản lý dự án vệ tinh nhỏ - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cung cấp)
Vệ tinh VNREDSat-1 tại Trung tâm thử nghiệm của sân bay vũ trụ Kourou, Guyana thuộc Pháp trước khi được lắp đặt vào khoang chở hàng trên tên lửa đẩy VEGA (Ảnh: Ban quản lý dự án vệ tinh nhỏ - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cung cấp).
 

Theo TS Bùi Trọng Tuyên, thời điểm có thể thu nhận được tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh VNREDSat-1 là 14g30 ngày 7/5. Hai ngày sau, Việt Nam có thể thu nhận được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1. Những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ Việt Nam có thể sẽ có được và công bố ngay trong ngày 10-5. Giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong ba tháng tiếp theo

Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất về vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 trong ngày . Theo kế hoạch, khoảng 11g20 phút, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ chính thức tách khỏi tên lửa bay vào quỹ đạo.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG