Nghệ thuật Bài Chòi là trò chơi, trò diễn xướng dân gian độc đáo, đậm chất văn hóa nông nghiệp ở các làng quê miền Trung nói chung và Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng.
Qua nhiều thế kỉ, nghệ thuật Bài Chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân duyên hải miền Trung trong những dịp sinh hoạt cộng đồng.
Ngày 7/12/2017, UNESCO chính thức công nhận Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó CT UBND TP Đà Nẵng, cho biết: “Trong những năm qua, các cấp, ngành cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân ở Đà Nẵng đã và đang có những đóng góp to lớn để bài chòi được gìn giữ và phát triển như này nay”.
Ngoài ra, Sở VH&TT Đà Nẵng đã xây dựng chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Bài Chòi. Theo đó, Sở sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhóm, CLB Bài Chòi hoạt động nhằm góp phần truyền bá, phát triển loại hình nghệ thuật này. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá và giáo dục nhằm bảo vệ Bài Chòi, gắn Bài Chòi với hoạt động du lịch...
Theo nghệ nhân Đỗ Hữu Quế, trong nhiều năm qua, các thế hệ nghệ nhân đã gắn bó với việc gìn giữ và bảo vệ Bài Chòi bằng niềm lòng yêu nghệ thuật và tiếp nối truyền thống văn hóa – nghệ thuật.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ, giữ gìn và phát triển di sản Bài Chòi, để loại hình nghệ thuật này tiếp tục có chỗ đứng trong đời sống văn hóa – tinh thần của người dân miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung”, nghệ nhân Quế cho biết.
Cũng tại buổi lễ, Bộ VH,TT&DL đã trao bằng khen cho 3 cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển Bài Chòi. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng trao 9 bằng khen cho các nghệ sĩ, nghệ nhân có đóng góp tích cực trong gìn giữ Bài Chòi.