Đà Nẵng thiếu nước giữa mùa mưa

Nhiều thời điểm trong ngày, nước chảy rất yếu khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Ảnh: Thanh Trần
Nhiều thời điểm trong ngày, nước chảy rất yếu khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Ảnh: Thanh Trần
TP - “Nếu tình hình nhiễm mặn, thiếu nước tiếp tục diễn ra thì phải triển khai kịch bản cuối cùng, đó là cấp nước theo từng khu vực”, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay.

Trao đổi với báo chí, ông Hồ Hương cho hay, Đà Nẵng chưa bao giờ nhiễm mặn trầm trọng như hiện nay. Độ mặn tại nhà máy nước Cầu Đỏ có thời điểm lên đến 4.374mg/l, gấp 17,5 lần quy chuẩn. “Những năm trước tình hình nhiễm mặn vẫn có, nhưng rơi vào mùa khô và chỉ vài ba ngày. Còn năm nay xảy ra ngay trong mùa mưa, kéo dài từ ngày 20/10 đến nay”, ông nói.

Ông Hương cho biết thêm trước tình hình này, công ty đã liên hệ với các thủy điện đầu nguồn để xả nước. Tuy nhiên, do lượng mưa ở thượng nguồn ít, nên thủy điện A Vương đã dưới mực nước chết không thể hoạt động, thủy điện Dak Mi cũng “cố gắng” để xả được 12,5m3/s. Hiện tại, mực nước thô ở đập An Trạch rất thấp không đủ cho nhà máy Cầu Đỏ và Sân Bay sản xuất.

“Nhu cầu cấp nước trên toàn thành phố là 270.000m3/ngày, trong khi thực tế sản xuất chỉ được 230.000m3/ngày, vì không có nguồn nước thô. Ngoài việc điều tiết, nếu tình trạng thiếu nước còn tiếp tục kéo dài thì công ty sẽ sử dụng biện pháp cuối cùng, đó là cấp nước theo từng khu vực, chia ra từng khung giờ để đảm bảo quận huyện nào cũng có nước sử dụng”, ông Hương cho biết.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, liên tục nhiều ngày qua, người dân Đà Nẵng “kêu trời” vì nước sinh hoạt rất yếu, nhất là vào các khung giờ cao điểm, thậm chí có nơi mất hẳn.Tại khu dân cư đường Phần Lăng 1, Phần Lăng 2 (quận Thanh Khê), sinh hoạt các hộ bị đảo lộn vì thiếu nước. Chị Trần Thị Kim Hồng (đường Phần Lăng 2), than:  “Toàn bộ việc tắm giặt, rửa ráy phải đẩy hết xuống tầng 1, vì tầng trên không bơm lên nổi. Bình thường nước yếu hoặc cắt hẳn chỉ trong một buổi, nay từ ngày này qua ngày khác làm cả nhà tui xáo trộn”. Các hộ dân khác phải tranh thủ hứng nước, dự trữ để sử dụng.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo các chủ hồ chứa nước ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) vận hành xả nước để đảm bảo chiều cao mực nước tại đập dâng An Trạch tối thiểu đạt +1,4m. Với mực nước này mới có thể vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch.

Trước tình hình thiếu nước trên địa bàn, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã đề xuất với thành phố các giải pháp cấp nước trước mắt và lâu dài. Cụ thể, từ nay đến tháng 3/2019, sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ và dự án nhà máy nước hồ Hòa Trung. Đồng thời đầu tư các tuyến ống chính để truyền tải nước sạch đến khu vực có áp lực yếu. Sau năm 2020 sẽ xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ, nhằm kịp thời bổ sung nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ và nhà máy nước Sân Bay sau khi nâng cấp; xây dựng nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 công suất 120.000m3/ngày đêm vào cuối năm 2020, và tiếp tục nghiên cứu giai đoạn 2; đầu tư thêm các tuyến ống cấp nước chính…

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.