Ngày 12/8, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đã họp và quyết định xây dựng phương án: nếu trong vòng 4 ngày tới mà dịch bệnh không giảm thì thành phố sẽ thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, tức là tuyệt đối không cho người dân ra khỏi nhà. Nếu các công sở, nhà máy, công trường muốn hoạt động thì phải đảm bảo các điều kiện để cán bộ, công chức, người lao động phải ở tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác trong vòng 7 ngày; đồng thời xét nghiệm toàn thành phố.
“Đây là biện pháp thành phố không mong muốn áp dụng và hi vọng không phải áp dụng. Nhưng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì phải chấp nhận hi sinh nhiều lợi ích để thực hiện”, ông Quảng nói.
Theo Bí thư Đà Nẵng, đây là biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ theo đúng tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ vừa ban hành. “Khi áp dụng sẽ có nhiều khó khăn, nhất là việc cung ứng, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân. TP Đà Nẵng đã có phương án cho việc này và sẽ đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân”, ông nói.
Tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đang bị cách ly, phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Thành |
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết, thành phố đã trải qua những ngày rất áp lực với chuỗi lây nhiễm cảng cá Thọ Quang, đã khống chế thành công chùm bệnh này. Tuy nhiên, sáng 12/8, lại xuất hiện chuỗi lây nhiễm mới rất phức tạp ở chợ đầu mối Hòa Cường, địa điểm cung cấp thực phẩm chính cho thành phố.
Đà Nẵng đã thiết lập 300 giường hồi sức với máy móc hiện đại, có một hệ thống khí nén ôxy đầy đủ. Theo bà Yến, đây là cố gắng hết sức và gần như tối đa của ngành y tế Đà Nẵng. “Với tỷ lệ 5% bệnh nặng trên tổng số ca COVID-19, khi thành phố có hơn 6.000 ca thì hết công suất 300 giường hồi sức. Nếu số ca mắc tăng hơn thì hệ thống y tế thành phố chắc chắn quá tải”, bà nói.
Trong khi đó, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết, thành phố đã chủ động xây dựng các kịch bản và nguồn kinh phí trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu và số lượng ca F0 tăng lên. Theo đó, nếu có 3.000 ca F0, tổng nhu cầu chi gần 1.900 tỷ đồng; trường hợp có 4.000 ca F0, tổng nhu cầu chi gần 2.200 tỷ đồng; trường hợp có 5.000 ca F0, tổng nhu cầu chi gần 2.600 tỷ đồng. Với ưu tiên ngân sách cho công tác phòng, chống dịch, Đà Nẵng đã rà soát, cắt giảm, sắp xếp các nhiệm vụ chi. Đồng thời, sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định.
Ông Chinh cho biết, ngoài bệnh viện dã chiến khu ký túc xá phía Tây thành phố với công suất thu dung 1.700 bệnh nhân, Đà Nẵng đang chủ động khẩn trương cùng với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tiếp tục xây dựng phương án thiết lập thêm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tạm đóng cửa chợ đầu mối lớn nhất
Chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) tạm ngừng hoạt động từ sáng 12/8 cho đến khi có thông báo mới.
Chợ đầu mối Hòa Cường là chợ cung cấp rau, củ, quả lớn nhất thành phố Đà Nẵng, mỗi ngày từ 300-330 tấn. Trong hai ngày 11 và 12/8, ngành y tế phát hiện 6 bệnh nhân COVID-19 là tiểu thương, người có liên quan đến chợ. thanh trần