Một điều dễ nhận thấy, chủ trương xuyên suốt của chính quyền Đà Nẵng là quy hoạch luôn đi trước và quyết tâm xây dựng Đà Nẵng thành thành phố văn minh, hiện đại, tầm cỡ khu vực, châu Á và lấy Singapore làm hình mẫu xây dựng. Theo KTS Hoàng Sừ (nguyên Viện trưởng viện quy hoạch xây dựng Đà Nẵng), đề án quy hoạch chung TP Đà Nẵng được thuyết minh với ý tưởng một Đà Nẵng hiện đại, thông minh, nhân văn, môi trường...nếu không am hiểu về quy hoạch đô thị thì người nghe rất dễ xiêu lòng và càng dễ bị “ru ngủ” khi Đà Nẵng ngày một lung linh.
Thiếu quỹ đất do phân lô
Ông Sừ cho rằng, suốt 20 năm qua các tác giả đồ án quy hoạch chung Đà Nẵng chọn mô hình đô thị phát triển thấp tầng và đô thị sinh thái. Từ đây, các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, dự án được triển khai rất nhanh, phủ kín quy hoạch toàn thành phố. Hậu quả là các quy hoạch chi tiết 1/500 nặng về phân lô nhỏ, khai thác tối đa đất đai dẫn dến tình trạng chia lô bán nền tràn lan.
Sai lầm này là nguyên nhân chính dẫn đến sau 20 năm thực hiện xây dựng theo quy hoạch chung, Đà Nẵng gần như cạn kiệt quỹ đất. Đừng nói gì đến tương lai xa, ngay lúc này thật khó tìm ra một khu đất vài chục héc ta thuận lợi về địa điểm để xây dựng trung tâm thành phố mới hay trung tâm thương mại. Khi dân số tăng gấp đôi, gấp ba hiện nay, câu hỏi về đất đai đô thị khó có lời giải”, ông Sừ nói. Ông nhận định: Kiến trúc Đà Nẵng sẽ bước vào thời kỳ phát triển tự phát theo nhu cầu, tự chuyển đổi thiếu gì làm nấy. Vì vậy khát vọng Đà Nẵng hiện đại, sôi động ngang tầm khu vực và châu Á như Singapore hay Hong Kong là không thể.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng: Đến nay Đà Nẵng chưa hình thành được trung tâm chính của thành phố. Du khách đến thành phố này thường thắc mắc không biết trung tâm nằm ở đâu. Hiện nay, khan hiếm đất nên việc xây dựng một trung tâm quy mô hiện đại, hoành tráng...rất khó. Ông Hùng cũng cho rằng, hiện nay sân bay Đà Nẵng đang quá tải lại nằm trong thành phố không phù hợp. Do đó cần tính đến chuyện di dời sân bay Đà Nẵng về Chu Lai, đầu tư khớp nối giao thông từ sân bay về thành phố qua hệ thống đường cao tốc. Việc xây dựng hầm vượt sông Hàn phải tính đến chuyện khớp nối này.
KTS Đỗ Tú Lan (nguyên Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng) cho rằng việc khai thác quỹ đất ven biển vào du lịch một cách ồ ạt và triệt để vô hình đã bóp nghẹt Đà Nẵng theo kiểu “hết nạc mới vạc đến xương”.
Cần đại phẫu
Ông Bùi Huy Trí, Trưởng phòng quản lý quy hoạch (Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho rằng: Để đưa Đà Nẵng phát triển và sớm trở thành thành phố tầm châu Á, cần xem xét lại mô hình hiện tại của Đà Nẵng và có một tư duy mới mẻ về tái cấu trúc đô thị trên cơ sở tiếp cận các mô hình phát triển của đô thị tiên tiến. Mô hình các khu ở chia lô tràn lan không phải là phương thức tổ chức môi trường sống tiên tiến.
Theo KTS Hoàng Sừ, cần “đại phẫu” để Đà Nẵng trở thành đô thị tầm cỡ, mà việc quan trọng nhất là tìm ra quỹ đất. Muốn làm được việc này trước hết phải chấm dứt cấp phép cho các dự án nhà ở tầng thấp và chia lô bán nền... Riêng về việc xây dựng hầm chui vượt sông Hàn ông Sừ cho rằng chưa thực sự cần thiết. Thành phố nên dành hơn 4.000 tỷ dự định đầu tư xây hầm vượt sông để mở rộng cầu quay sông Hàn hiện nay, xây dựng thêm các nút giao thông khác mức ở các điểm nóng đang xảy ra ùn tắc như hai đầu đường Nguyễn Văn Linh nơi giáp sân bay quốc tế và Bảo tàng Chăm, vòng xuyến Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ...
KTS. Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng: Quy hoạch chi tiết xây dựng kiến trúc cảnh quan hạ tầng kỹ thuật hai bên bờ sông Hàn đã được UBND TP tổ chức thi quốc tế để lựa chọn. Tuy nhiên, thành phố cần tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân để việc quy hoạch phát triển hài hòa với kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật dọc hai bờ sông.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Hiện quỹ đất của Đà Nẵng gần như đã hết nên việc quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng đang đứng trước nhiều thách thức. Với tinh thần cầu thị, Đà Nẵng sẽ tiếp nhận những đóng góp, ý tưởng một cách nghiêm túc.
Cân nhắc xe buýt nhanh BRT
Ông Trần Dân, Phó chủ tịch Hội KHKT cầu đường Đà Nẵng, cho rằng: Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm từ Hà Nội để có cách làm thận trọng, cần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi trước khi tiến hành thi công. Mặt khác, khi mở hệ thống BRT cần xem xét thêm vận tải đường sắt đô thị, đường sắt một ray, đường hầm để có lợi nhất cho thành phố về lâu dài.