Đà Nẵng huy động xe thiết giáp ứng cứu trong bão

Đà Nẵng huy động xe thiết giáp ứng cứu trong bão
TPO- Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, Đà Nẵng lập 3 đội cứu hộ trên sông, cứu hộ sập đổ công trình và ứng cứu khẩn cấp trong bão; huy động xe tăng thiết giáp, đặc chủng trong bão.

> Đà Nẵng lập đội cứu hộ, cứu nạn đối phó siêu bão
> Siêu bão HaiYan giật cấp 17, đổi hướng lên phía Bắc

Không chủ quan 

Bão di chuyển phức tạp, kì dị

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, đến 13 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 240km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Điểm đáng chú ý, theo dự báo bão số 14 có xu hướng chưa đổ bộ trực diện vào đất liền mà chạy dọc ven biển miền Trung. Việc xác định rõ bão đổ bộ vào đâu, khi nào đang “đánh đố” cơ quan chuyên trách.

Diễn biến bão số 14 hết sức phức tạp. So với ngày 8/11, hôm nay bão có diễn biển khác, chạy dọc vùng ven biển, mở rộng vùng bảo ãnh hưởng. Dự báo, bão số 14 ảnh hưởng đầu tiên đến Phú Yên, Bình Định và quét dọc đường biển Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị- Hà Tĩnh.

Ngày 9/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp khẩn bộ ngành chức năng và UBND TP Đà Nẵng tại Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 14.

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bão đang áp sát miền Trung và có nguy cơ đổ bộ bất kỳ lúc nào. Hướng di chuyển bão phức tạp, cường độ rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến ven biển miền Trung mà còn mở rộng cả phía Bắc và Tây Nguyên.

Kiểm tra công tác phòng chống bão số 14 tại Quảng Ngãi và chủ trì cuộc họp tại Sở chỉ huy tiền phương (đóng QK5), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh cấp ủy chính quyền, Bộ Công an, Quốc phòng, QK5, hệ thống chính trị các tỉnh khu vực đã chỉ đạo quyết liệt, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về ứng phó bão số 14.

Trước hết đảm bảo công tác sơ tán dân; đưa tàu thuyền cập bến âu thuyền, vào bờ, các đảo neo đậu an toàn; người dân chủ động tích cực hơn trong công tác phòng chống bão, gia cố nhà cửa, đảm bảo tài sản, công trình dân sự; các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhìn chung vận hành theo quy trình…

Phó Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết di dời dân đến nơi an toàn, đưa ngư dân ra khỏi tàu bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động đến cưỡng chế; áp dụng triệt để bài học kinh nghiệm “4 tại chỗ”.

Các đơn vị chức năng triển khai biện pháp ứng phó bão.
Các đơn vị chức năng triển khai biện pháp ứng phó bão số 14

Quân đội sẵn sàng

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh QK5 cho hay: đến 15 giờ cùng ngày, các đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi)… người dân vào nơi trú tránh an toàn. QK5 lập 3 sở chỉ huy, chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng đối phó, ứng cứu các tình huống do bão số 14 gây ra.

Theo Thiếu tướng Nhơn, đơn vị sẵn sàng phương án đối phó tình trạng lũ lụt sau bão. Huy động gàn 200 phương tiện xe ô tô các loại, thiết giáp, nội nước, cứu hộ cứu nạn, pano tàu xuống làm nhiệm vụ; phối hợp Sư đoàn 372 không quân chủ động 2 trực thăng xử lý tình huống. Tiếp tục di dời dân đến nơi an toàn đúng kế hoạch.

Ban chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng tăng cường vận động thậm chí cưỡng chế, bắt buộc người dân, công nhân, sinh viên di chuyển khỏi các căn nhà trọ, tạm bợ.

Đà Nẵng huy động xe thiết giáp ứng cứu trong bão ảnh 2

Ba đội cứu hộ, huy động xe thiết giáp

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến chho biết, khác với cơn bão trước do tính chất bão số 14 mạnh, sức uy hiếp lớn, Đà Nẵng thành lập 3 đội cứu hộ trên sông; đội cứu hộ sập đổ công trình và đội ứng cứu khẩn cấp trong bão, huy động xe tăng thiết giáp, đặc chủng trong bão.

Chiều 9/11, gần 2.000 tàu thuyền Đà Nẵng và các vùng lân cận vào neo đậu an toàn tại các âu thuyền, vùng vịnh. Hiện Đà Nẵng không còn tàu thuyền khu vực nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, thành phố yêu cầu tất cả ngư dân không ở trên tàu khi bão đổ bộ. UBND các quận, huyện bố trí lực lượng cơ động, dân phòng bảo vệ tài sản trên tàu cho ngư dân.

Bộ Công thương chỉ đạo các ngành điện kiểm tra, đảm bảo cấp điện an toàn và khẩn trương khắc phục sự cố do bão gây ra. Bộ gọi các thủy điện yêu cẩu xả lũ trước thời điểm bão đổ bộ.

Hiện Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng cty truyền tải điện quốc gia rà soát, kiểm tra các đường dây truyền tải chính. Với phương châm “bão vào đến đâu, nước dâng đến đâu nếu có nguy cơ phải cắt điện ngay” để đảm bảo an toàn và khi bão tan, nước rút, khắc phục nhanh nhất có thể.

Theo lãnh đạo tập đoàn điện lực Việt Nam, 19 hồ chứa Quảng Trị, A Lưới, Sê San… đang xả theo quy trình vận hành và phối hợp với địa phương.

Di dời dân, học sinh nghỉ học

Chiều 9/11, Ban chỉ đạo tiền phương đối phó bão số 14 thống kê, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên đã có kế hoạch sơ tán, di dời với số lượng gần 185.000 hộ với hơn 680.000 dân ở các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, tháp trũng khả năng ngập sâu thuộc 69 huyện, thị đến nơi an toàn. Trước 16 giờ ngày 9/11, Bình Định hoàn thành sơ tán.

Từ 17 đến 19 giờ cùng ngày, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng hoàn thành công tác di dân đến nơi an toàn.

Trong ngày 9/11, hàng triệu học sinh Đà Nẵng, Thùa Thiên Huế được nghỉ học. Trong ngày 10/11, sở GD&ĐT Quảng Nam quyết định học sinh nghỉ học. Tại TP.Đà Nẵng, lệnh cấm họp chệ được áp dụng từ trước 14 giờ 9/11, công nhân các khu công nghiệp được nghỉ làm ứng phó với bão số 14.

Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho hay có văn bản yêu cầu địa phương cấm đường khi bão đổ bộ và ở những tuyến đường ngập sâu, không có cọc tiêu hướng dẫn…. Bộ Y tế chủ động thành lập 17 đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương vùng ảnh hưởng bão số 14 khi có nhu cầu.

Nguyễn Huy

Theo Viết
MỚI - NÓNG