Đà Nẵng đề xuất chính quyền đô thị: Chủ tịch thành thị trưởng

Đà Nẵng đề xuất chính quyền đô thị: Chủ tịch thành thị trưởng
TP - Đổi tên UBND thành Ủy ban hành chính (UBHC), chức danh Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thành thị trưởng… là những đề xuất đang được TP Đà Nẵng kiến nghị để hướng đến chính quyền đô thị trong tương lai.

Năm hội thảo chuyên đề về tổng kết thi hành các quy định của Hiến pháp, mô hình chính quyền đô thị, tổng kết đề án thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND)… được UBND TP Đà Nẵng tổ chức tại các hội thảo góp ý báo cáo trong chương trình công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, kéo dài từ 29–11 đến 3–12-2011.

UBND TP Đà Nẵng đề xuất cần có những quy định mới và cụ thể về mô hình chính quyền địa phương, trong đó phân biệt chính quyền đô thị với những đặc trưng riêng.

Thực tiễn chính quyền của các đô thị đã từng bước được hình thành và phát triển với mô hình khá rõ nét so với chính quyền nông thôn, khiến việc tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương trên địa bàn các đô thị xuất hiện những bất cập, hạn chế.

Báo cáo về tổng kết thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992, UBND TP Đà Nẵng cũng phân tích: Chính quyền đô thị phải được tổ chức gọn nhẹ, thiên về tập trung điều hành thống nhất trên phạm vi toàn địa bàn, không cắt khúc. Trong khi Hiến pháp và các văn bản chưa phân định rõ địa vị pháp lý giữa chính quyền đô thị và chính quyền địa phương. Thực tế này khiến cơ quan công quyền điều hành chính quyền đô thị gặp không ít khó khăn.

Để tạo sự phân biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, TP Đà Nẵng đề xuất mô hình chính quyền đô thị hành chính, gồm cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương (HĐND) và cơ quan chấp hành, hành chính tại địa phương. Cấp hành chính trung gian là huyện, quận, phường; chỉ có cơ quan hành chính tại địa phương. Đà Nẵng đề xuất, đối với đô thị, chỉ nên tổ chức HĐND ở hai cấp (thành phố và xã), bỏ các cấp trung gian là huyện, quận.

Theo định hướng mô hình tổ chức HĐND các cấp này, số lượng đại biểu HĐND được tính theo tỷ lệ dân cư trên địa bàn với tỷ lệ 12.000 dân/ đại biểu trong quá trình thí điểm (Thành phố có khoảng 80 đại biểu HĐND thành phố).

Đối với các cấp hành chính không có HĐND, vai trò giám sát của HĐND được thay thế bằng hoạt động giám sát của đại biểu HĐND theo địa bàn; tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp, tự quản, đảm bảo cho nhân dân có thể tham gia rộng rãi vào quá trình quản lý đô thị.

TP Đà Nẵng cũng đề nghị đổi tên gọi UBND thành UBHC. UBND các cấp hiện nay sẽ đổi thành UBHC các cấp theo mô hình này.

HĐND cấp nào sẽ bầu ra thủ trưởng UBHC cấp đó. HĐND tỉnh bầu ra chủ tịch UBHC tỉnh; HĐND TP bầu ra thị trưởng; HĐND xã bầu ra chủ tịch UBHC xã. Thị trưởng, chủ tịch UBHC chịu trách nhiệm trước HĐND của cấp mình. HĐND có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thị trưởng, chủ tịch UBHC cùng cấp.

Trong đó, mô hình chính quyền đô thị phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính các cấp chính quyền đô thị; các cơ quan chuyên môn được tổ chức theo hướng quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt, bộ máy tinh gọn và hợp lý, tăng cường tính chuyên nghiệp, giải quyết nhanh gọn công việc của người dân, tổ chức…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.