Tính đến nay, Việt Nam đã bước vào ngày thứ 38 không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. 267 bệnh nhân đã được chữa khỏi, tương ứng với tỷ lệ khỏi bệnh đạt 82%. Hiện còn 58 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước đó đã nhấn mạnh, chống dịch giai đoạn này còn có phần khó hơn, bởi sau thời gian dài không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng nên người dân có tâm lý buông lỏng. Vì vậy, tuyệt đối không được có tâm lý xả hơi.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 cho rằng Việt Nam đã dập tắt các ổ dịch nhưng nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn (do đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao các nước sang làm việc tại các dự án…). Do đó không được chủ quan, cần quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở... Ở trong nước phải thực hiện nghiêm công tác cách ly, tiếp tục tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với những nhóm đối tượng, khu vực có nguy cơ...
Việt Nam vẫn duy trì chiến lược phòng chống dịch theo phương châm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Tất cả công dân nhập cảnh về nước đều được cách ly, xét nghiệm, khi về nhà vẫn phải theo dõi sức khỏe.
Về tình hình điều trị các bệnh nhân COVID -19 Bộ Y tế cho biết hiện bệnh nhân số 91 là phi công người Anh còn trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cepacia, nhiễm nấm máu, tổn thương thận cấp. Nước tiểu của bệnh nhân đã khá hơn nên kíp điều trị quyết định tạm ngưng lọc máu liên tục.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm "nhiệm vụ kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch bệnh COVID-19 sẽ kéo dài nhiều tháng thậm chí là nhiều năm. Do đó, WHO khuyến nghị, Việt Nam tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn, như tăng cường giám sát nhóm nguy cơ, thường xuyên rà soát các biện pháp hiện có và đánh giá tình hình mới để có khuyến nghị kịp thời về giao thương...