Ðã có 150 ổ dịch, sẽ xuất hiện thêm chùm ca bệnh
“Lần này chúng ta phải tiếp tục xác định sẽ có các chùm ca bệnh hoặc các ca bệnh, ổ dịch nhỏ ở cộng đồng, nếu không kiểm soát tốt sẽ phát triển thành ổ dịch lớn vì tốc độ lây lần này nhiều hơn lần trước”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói. Phân tích các bài học từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, ông nhấn mạnh việc phải phản ứng một cách rất khẩn trương, quyết liệt, mạnh mẽ, thần tốc, không thể chậm trễ. “Việc truy vết, cách ly thật nhanh các ca F1, đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ra khỏi gia đình đó, ra khỏi khu dân cư, mới khống chế kiểm soát được. Nếu lơ là, không cách ly tập trung F1, hay truy vết nhanh F1 thì rất khó kiểm soát”, ông nói. Ông yêu cầu các địa phương lên kịch bản huy động các địa điểm cách ly tập trung trong tình huống cấp bách. Quyền Bộ trưởng cho biết, lần này dịch diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện chùm ca bệnh tại cộng đồng vì tốc độ lây lan của dịch lần này khá cao. “Từng gia đình có thể trở thành ổ dịch, lần trước chỉ có khoảng 40 ổ dịch, lần này đã lan khoảng 150 ổ”, ông nói.
Để cơ sở y tế có kế hoạch ứng phó chủ động, phối hợp nhịp nhàng, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu phải có kịch bản nếu phong tỏa bệnh viện này thì phải có bệnh viện kế cận, hoặc đội ngũ kế cận khác để chăm sóc, điều trị bệnh nhân. “Phải bảo vệ bằng được các bệnh viện, đội ngũ nhân viên y tế và những điểm cốt tử trong bệnh viện như phòng khám, khoa hồi sức tích cực, nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch, nhóm chạy thận nhân tạo, các bệnh nhân có nhiều bệnh nền, bệnh mạn tính...”, ông Long nói.
Yêu cầu các địa phương, cơ sở y tế trên toàn quốc rà soát lại các kịch bản ứng phó COVID-19 trên địa bàn, hoặc trong cơ sở y tế để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất (bị phong tỏa, nhiều bệnh nhân hay cán bộ y tế mắc bệnh), GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh việc tổ chức kiểm tra giám sát, diễn tập thường xuyên để nâng cao cảnh giác, mức độ ứng phó, đáp ứng nhanh trong phòng chống dịch. Công tác giám sát phải thực hiện tại tất cả các bệnh viện, theo hướng dẫn Bộ Y tế đã ban hành. “Chỉ cần chúng ta trễ vài ngày là dịch thêm một chu kỳ lây nhiễm”, tư lệnh ngành Y tế cảnh báo. Theo ông, tới đây vẫn sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng.
Phải chủ động nâng cao năng lực xét nghiệm
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương nói rằng, các chuyên gia nhận định ổ dịch ở tỉnh này phức tạp do chưa truy tìm được F0, số lượng khách đến nhà hàng “Thế giới bò tươi” quá nhiều (khoảng 1.000 người). Cùng đó, thời gian phát hiện ra ca bệnh đã khoảng 2 tuần, lượng tiếp xúc tại cộng đồng rất lớn. Hải Dương đề xuất Bộ Y tế tăng cường chuyên gia cho tỉnh trong phòng chống dịch. Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, ngày 20/8, Bộ Y tế sẽ tăng cường chuyên gia đầu ngành về truy vết, giám sát dịch cho Hải Dương.
Sở Y tế Kiên Giang đề xuất cần hỗ trợ của Viện Pasteur TPHCM về năng lực xét nghiệm nếu có nhiều ca bệnh. Ông Long đề nghị, không riêng gì Kiên Giang mà các địa phương trong cả nước cần phải chủ động, thực hiện chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, trong trường hợp cần thiết thực sự mới cần đến Trung ương hỗ trợ. “Lần này dịch lây nhanh, các địa phương không thể chủ quan”, ông Long nói.
Thêm 4 bệnh nhân COVID-19
Ngày 19/8, Bộ Y tế cho biết có thêm 4 trường hợp mắc COVID-19 (2 ca tại Đà Nẵng, 1 ca tại Quảng Nam và 1 ca tại Hải Dương). Trong đó, bệnh nhân 990 tại Đà Nẵng (nữ, 25 tuổi) là nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa Gia Đình. Việt Nam có tổng cộng 653 trường hợp mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 513. Tổng số ca mắc từ đầu vụ dịch là 993.
Bộ Y tế đang rất nỗ lực trong tiếp cận vắc-xin, nhưng không thể có sớm được. “Ước tính, nếu có thì sớm nhất là nửa năm sau 2021, lúc đó chúng ta mới có thể tiếp cận được với vắc-xin. Từ giờ đến thời điểm đó, chúng ta phải luôn thường trực chiến đấu”, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói.