Cứu con bằng âm nhạc
Năm 2001, chị Thu sinh con trai đầu lòng khi sống tại Hà Lan nhưng gần 2 năm sau, chị nhận thấy con có những dấu hiệu mang chứng tự kỷ. Chính lúc này, chị Thu và chồng chia tay, chị nuôi con một mình. chị nhớ lại: “Chồng không chấp nhận, đổ lỗi cho mình không biết dạy và không quan tâm đến con. Cháu đi học mẫu giáo thì thường cắn, cấu bạn. Còn nhớ, tôi đã đánh con rất nhiều khi con có những hành vi rối loạn. Tôi trốn tránh sự thật cho đến lúc con 4 tuổi thì bắt đầu tìm giải pháp chữa trị cho con”.
Chị quyết định tự mình sẽ cứu con chứ không phải ai khác. Chị bắt đầu cho con đi học trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ tại Hà Lan. Đồng thời, lên mạng đọc, tìm đến các chuyên gia tâm lý, bác sĩ để biết thông tin về chứng tự kỷ ở trẻ em, đi học các khóa học về trẻ tự kỷ. Biết được tự kỷ của con, thay vì đánh, bắt con thay đổi, chị đã thay đổi nhận thức và hành vi của mình.
“Nhiều người không thấy trẻ tự kỷ có nhiều tiềm năng. Chúng thường có các giác quan nhạy cảm, có nhận thức sâu sắc hơn bình thường và có những năng khiếu rất đặc biệt về nghệ thuật. Bằng âm nhạc, tôi muốn khơi dậy những tiềm năng ấy để các em có cơ hội trở thành chính mình”.
Nghệ sỹ Viola Nguyệt Thu, Hiệu trưởng trường SFORA chia sẻ
Tuy nhiên, nhận thấy con không có tiến triển khi học tại Hà Lan, sau đó là Singapore nên chị Thu quay trở lại Việt Nam để tìm cách chữa trị cho con trai. Chị Thu cho biết, học ở đâu cũng chỉ được vài ngày là bị nhà trường trả về vì cháu phá lớp, đánh bạn, không tập trung nghe giảng.
Bản thân chị bị ảnh hưởng đến công việc rất nhiều. “Thời gian đó, tôi hay đi làm bị muộn, mất tập trung, mệt mỏi và hay cáu giận thất thường, gây sự khó chịu cho đồng nghiệp nhất là ở vị trí làm bè trưởng viola quản lý từ 12 đến 14 đồng nghiệp”, chị nhớ lại.
Vừa chăm con, vừa phải lao động vì nghệ thuật, chị Thu nhận ra sự kỳ diệu của âm nhạc, đây chính là phương pháp trị liệu tuyệt vời cho những đứa trẻ tự kỷ. Chị Thu bắt đầu cho con nghe rất nhiều những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu chậm. Khi nghe những bản nhạc đó, cậu bé đã có những chuyển biến rõ ràng, giảm tăng động, cởi mở với thế giới bên ngoài.
Mở trường âm nhạc giúp trẻ tự kỷ
Từ âm nhạc, cụ thể là viola, chị Thu nảy ý định mở một ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam. Cuối năm 2014, chị quyết định ở hẳn Việt Nam để thực hiện ước nguyện.
“Khi về nước, tôi chỉ có mong muốn cống hiến nghệ thuật, phát triển viola nói riêng và nghệ thuật cổ điển nói chung. Nhưng tôi lại muốn mở một lớp dạy âm nhạc trị liệu cho trẻ tự kỷ, vì nghĩ đây là việc hỗ trợ thôi chứ không phải đi theo nghề này. việc mở trường như một cái duyên, đến tự nhiên, từ từ rồi trở nên cấp thiết và cần bỏ công sức và thời gian để làm”, chị Thu nói.
Tháng 6/2015, ngôi trường mang tên SFORA (Sunrise for Arts là đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và giáo dục Đông Nam Á) ra đời và là trường đầu tiên ở Việt Nam sử dụng âm nhạc và nghệ thuật để trị liệu chứng tự kỷ ở trẻ em.
Lúc mới thành lập, trường SFORA chỉ có 3 cháu đến học. Đến nay, đã có hơn 30 cháu tại hai cơ sở. Tại cơ sở 1, lứa tuổi cao hơn từ 7 tuổi đến 23 tuổi. Cơ sở 2 dành cho trẻ từ 3 tuổi đến 8 tuổi. Mô hình dạy học tại trường SFORA có nhiều điểm áp dụng giống cho trẻ tự kỷ tại Singapore, Nhật nhưng chủ yếu sử dụng âm nhạc và hội họa mang tính chất trị liệu.
Đồng thời, phương pháp dạy trẻ vẫn phải đảm bảo các môn cơ bản về kỹ năng sống, văn hóa, vận động phục hồi, giảm tăng động. “Đa phần các em khi đến trường SFORA đều không nghe lời giáo viên và chỉ làm điều mình thích theo bản năng. Nhưng cuối cùng điều kỳ diệu đã xảy ra từ những đứa trẻ thô lỗ, cục cằn đã trở thành những đứa trẻ tiềm năng, biết yêu thương chia sẻ và mong muốn cống hiến cho xã hội”, chị Thu bộc bạch.
Chị Thu nhấn mạnh khó khăn đối với trẻ tự kỷ hiện nay là vấn đề nhập học tại các trường. Theo chị, nếu một đứa trẻ tự kỷ học không đúng môi trường và cô giáo không có chuyên môn dạy trẻ tự kỷ thì các em càng khó hòa nhập với cuộc sống. Vì vậy, nếu muốn cho con đi học hòa nhập thì phụ huynh nên hỗ trợ trước cho trẻ các kỹ năng giao tiếp cơ bản để trẻ đủ tự tin.