Ngày 1/3, bác sĩ Huỳnh Quang Đại - khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thành T. (20 tuổi, ngụ Bình Dương) nhập viện cấp cứu ngày 8/1 trong tình trạng huyết áp không đo được, mạch nhanh, nhẹ, sưng nề và tím bàn chân phải, căng đau cẳng chân phải.
Các xét nghiệm cho thấy tình trạng cô đặc máu khá cao với dung tích hồng cầu 70%, bạch cầu tăng gấp 10 lần chỉ số bình thường. Bệnh nhân có tình trạng chèn ép khoang hai cẳng chân, hoại tử cơ và suy thận. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu. Sau khi hội chẩn các chuyên khoa, bệnh nhân được chuyển đến khoa huyết học, rồi khoa săn sóc đặc biệt.
Trước khi nhập viện một ngày, anh T. tập thể dục ở trường, chạy điền kinh khoảng 1km. Về nhà, anh thấy đau nhẹ hai bắp chân, mệt mỏi, vã mồ hôi, ói. Đến sáng hôm sau, anh T. bị chóng mặt, vã mồ hôi, mệt nhiều, đau hai bắp chân nhiều hơn, đến khám tại phòng khám ở địa phương. Bác sĩ tại đây nhận thấy bệnh nhân bị sốc nặng, huyết áp không đo được… nên chuyển đến Bệnh viện B.D. Tại bệnh viện này, huyết áp của bệnh nhân vẫn không đo được, chi lạnh, cơ tứ chi căng cứng, đau cơ nhiều. Các xét nghiệm kiểm tra cho thấy tình trạng cô đặc máu rất nặng, bạch cầu máu tăng cao, trong khi các xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân như siêu âm tim, X-quang ngực vẫn chưa phát hiện bất thường. Bệnh viện nhanh chóng được chuyển anh T. lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo bác sĩ Đại, đây là trường hợp rất đặc biệt. Các bệnh lý thường gặp như sốt xuất huyết hay sốc nhiễm trùng, sốc phản vệ, thuyên tắc phổi, viêm tụy cấp…đều không phù hợp. Sau hội chẩn và tra cứu y căn, các bác sĩ xác định bệnh nhân sốc do “hội chứng thoát dịch mao mạch hệ thống vô căn” hay còn gọi là hội chứng Clarkson. Đây là một tình trạng bệnh nặng, diễn tiến nhanh chỉ chưa đến 1 ngày. Tình trạng sốc và cô đặc máu rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân còn có biến chứng nguy hiểm chèn ép khoang hai cằng chân, hoại tử cơ, suy thận.
Y văn thế giới ghi nhận bệnh lý này lần đầu vào năm 1960 bởi mô tả của bác sĩ Clarkson trên một bệnh nhân có những đợt tái đi tái lại tụt huyết áp, giảm thể tích, phù. Tên của vị bác sĩ này cũng được dùng để đặt cho bệnh lý rất hiếm này. Trên thế giới, từ 1960 đến 2016, chỉ có chưa đến 200 trường hợp được mô tả trong y văn với tỷ lệ tử vong là 25%. Bệnh nhân mắc hội chứng này cần được cấp cứu hồi sức kịp thời với dịch truyền như albumin hoặc cao phân tử, điều trị cũng như phòng ngừa các biến chứng và phải theo dõi bệnh lý suốt đời.
Đối với ca lần đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam nói trên, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và xuất viện. Anh T. vẫn phải tiếp tục tái khám và theo dõi mỗi tháng. Anh còn yếu hai chân do biến chứng chèn ép khoang, tuy nhiên đã có thể tự đi được và đi học trở lại.