Cựu Chủ tịch SADECO: 'Khi xin ý kiến, không sở ngành nào nhắc phát hành cổ phần là sai'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), ông Tề Trí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SADECO, cựu Tổng giám đốc Cty IPC) thừa nhận có sai phạm. Bị cáo này cũng cho biết, quá trình xin ý kiến UBND TPHCM và được UBND TPHCM giao các sở ngành tham mưu thì không có đơn vị nào đề cập đến việc phát hành cổ phần là sai.

Hôm nay (28/12), phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xử vụ sai phạm liên quan ông Tất Thành Cang, cùng các bị cáo trong vụ Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) phát hành giá rẻ 9 triệu cổ phiếu cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Cty Nguyễn Kim), gây thiệt hại 1.103 tỷ đồng, tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan ở tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Cựu Chủ tịch SADECO: 'Khi xin ý kiến, không sở ngành nào nhắc phát hành cổ phần là sai' ảnh 1

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 28/12.

Trả lời HĐXX về ý kiến Cty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Cty IPC - 100% vốn Nhà nước) xin giảm tỷ lệ vốn sở hữu của IPC tại SADECO (công ty con của IPC), từ 44% xuống 28,8% theo phương án phát hành 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim, đại diện UBND TPHCM (tham gia phiên tòa với tư cách người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan) nói rằng, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương tăng giảm vốn góp, nhưng trong trường hợp này là thay đổi tỷ lệ vốn góp, nên đã được nêu rõ tại đề án cơ cấu do UBND TPHCM ban hành năm 2013.

Đại diện UBND TPHCM tại phiên tòa cũng nói, UBND TPHCM cũng có công văn 8399/2017, qua đó giao cho Cty IPC chịu trách nhiệm xem xét, quyết định về phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ, đảm bảo lợi ích tối ưu và hợp pháp cao nhất cho nhà nước, theo quy định pháp luật liên quan.

Bị cáo Tề Trí Dũng trả lời HĐXX rằng, các thành viên HĐTV thống nhất 100% phương án phát hành 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim. Tháng 4/2017, ông Dũng thay mặt Cty IPC ký văn bản xin ý kiến UBND TPHCM về phương án phát hành cổ phần tại SADECO, qua đó giảm tỉ lệ sở hữu tại SADECO từ 44% xuống 28,8%.

Ông Dũng cũng khai rằng, thời điểm ông ký văn bản xin UBND TPHCM phát hành cổ phần, ông có nhận thức là làm đúng quy định pháp luật. Quá trình xin ý kiến UBND TPHCM và được UBND TPHCM giao các sở ngành tham mưu thì không có đơn vị nào đề cập đến việc phát hành này là sai.

“Đến nay thì bị cáo nhận thấy phát hành cổ phần cho Nguyễn Kim là sai” – Ông Tề Trí Dũng thừa nhận trước tòa.

Bị cáo Phạm Văn Thông (cựu phó Chánh Văn phòng Thành ủy) nói rằng, lúc đồng ý bán cổ phần cho Nguyễn Kim thì thấy là đúng, nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra và tại phiên tòa thì bị cáo biết đã sai khi trình tờ trình lên phó Bí thư Thành ủy lúc đó là ông Tất Thành Cang. Bị cáo Thông thừa nhận thấy làm chưa đúng với Nghị định 91 và xin nhận thiếu sót.

Bị cáo Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc IPC, thành viên HĐQT SADECO - đại diện phần vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO) trả lời HĐXX là không đồng ý với tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố đối với ông.

Theo bị cáo Thiện thì SADECO là công ty cổ phần, mà cổ phần thì không phải của nhà nước. Ông Thiện lập luận rằng, vốn của Thành ủy tại SADECO là tài sản Văn phòng Thành ủy, tài sản này đã chuyển giao cho tổ chức chính trị thì tổ chức này toàn quyền định đoạt tài sản đó theo tổ chức chính trị đó ban hành.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.