Cựu binh hải quân dựng vườn ký ức chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng trăm hiện vật chiến tranh đã được chủ nhân tâm huyết sưu tầm mang về để trong vườn nhà. Một không gian chứa đầy vỏ bom đạn, gợi nhớ sự khốc liệt của chiến tranh nhưng lại rất thân thiện, nhân văn nhờ sự sắp đặt có ý đồ của chủ nhân khu vườn.

Biết chiến tranh để yêu hoà bình

Chủ nhân khu vườn độc đáo này là của cựu binh Hải quân phục viên Trần Văn Quận (49 tuổi), ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Anh nói, mình dựng khu vườn này là để nhắc nhớ những thế hệ sinh ra trong hoà bình biết về sự khốc liệt của chiến tranh, để ghi nhớ công ơn của cha ông mà gìn giữ, yêu quý hoà bình hơn.

Nghĩ là làm, anh Quận cho lấp ao, đắp đất khu vườn nhà để tạo mặt bằng, rồi đi dọc đường Hồ Chí Minh từ Nam ra Bắc để mua phế liệu chiến tranh, từ vỏ bom, vỏ đạn, bánh xích xe tăng hỏng, đến bộ phận rơi rớt của máy bay… Chưa gặp thứ mình ưng ý, anh để lại số điện thoại ở những vựa thu mua phế liệu chiến tranh, nơi nào gọi là anh lại lên đường. Từ năm 2018 đến nay, anh Quận đã thu mua hàng trăm hiện vật liên quan đến chiến tranh, cộng với số tiền quy hoạch lại khu vườn, ngót nghét cũng hết chừng 5 tỷ đồng.

“Ban đầu vợ tôi phản đối dữ lắm, nhưng tôi thuyết phục mãi rồi cũng nghe theo. Bao nhiêu tiền của hai vợ chồng tích góp được tôi đổ vào đây hết. Giờ có nhiều người đến tham quan, đặc biệt là các cháu học sinh rất thích thú khi nhìn thấy khu vườn, tôi thấy cũng ấm lòng vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa” - anh Quận tâm sự.

Khu vườn rộng hơn 2.000m2 dựng đầy vỏ bom đạn nhưng không hề rối mắt. Những vỏ bom xám xịt, nhuốm màu thời gian được sắp đặt làm bể nuôi cá, chậu trồng hoa rực rỡ màu sắc. Chỉ tay về phía những quả bom bi lớn được xếp thành hàng dài ngay phía trước sân, anh Quận giải thích: “Ở khu vườn này, mỗi không gian, mỗi hiện vật đều có những câu chuyện lịch sử của nó. Như dãy bom này, tôi muốn tái hiện danh hiệu “Quảng Bình Hai Giỏi” trong chiến tranh chống Mỹ. Năm 1965, Bác Hồ gửi thư khen Quảng Bình ta đánh giặc giỏi, sản xuất cũng giỏi. Xuất phát từ đó, tôi cho dựng những quả bom cắm xuống mặt đất được gắn đế để tạo độ nghiêng, tái tạo lại khung cảnh người dân sản xuất dưới làn mưa bom bão đạn”.

Cựu binh hải quân dựng vườn ký ức chiến tranh ảnh 1

Anh Quận chỉn chu trong bộ quân phục mỗi khi giới thiệu ý nghĩa khu vườn cho các em học sinh

Sờ tay vào một quả bom to nhất vườn, anh Quận nói, quả bom này có người sưu tầm trả giá 200 triệu đồng nhưng anh không bán. Giọng anh chùng xuống: “Những năm tháng chiến tranh, trên mảnh đất “tuyến lửa” này gần như ai cũng mất mát đau thương. Năm 1972, gia đình tôi bị một quả bom rơi trúng nhà, ông nội tôi mất, anh trai thứ ba bị thương nặng. Ký ức tuổi thơ tôi là chuỗi ngày đi chăn trâu, chăn bò luôn thấy bom bi rơi vãi hai bên đường. Khi vào trong quân đội, được học về bom đạn, tôi lại nhớ về những ký ức cũ và dành nhiều thời gian tìm hiểu. Càng hiểu tôi càng thêm yêu mến, thích thú sưu tầm những kỷ vật cũ trong chiến tranh, mong muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa”.

Sau một buổi cùng các em học sinh của mình tham quan khu vườn ký ức chiến tranh, cô giáo Từ Thị Thu, giáo viên một trường THCS trên địa bàn nhận xét: “Khu vườn toát lên vẻ thân thiện, dù vỏ bom đạn lạnh lùng. Khu vườn cho thấy một thời kỳ cha ông phải hy sinh để có nền độc lập như hôm nay. Chú Quận đã làm cho cô trò có buổi ngoại khóa lý thú, ngoài sách vở nhưng nhiều kiến thức cũng như tính nhân văn mà khu vườn mang lại”.

Địa chỉ giáo dục trực quan sinh động

Khu vườn được xây dựng chưa lâu nhưng đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan và nhiều nhất là các em học sinh của các trường học trên địa bàn. Mặc dù miễn phí hoàn toàn, nhưng mỗi lần đón các em, anh Quận luôn chỉn chu trong bộ quân phục, đội mũ tai bèo, dẫn các cháu dạo quanh khu vườn, thuyết trình giới thiệu về những hiện vật và câu chuyện lịch sử xoay quanh đó.

Anh Quận tâm niệm: “Làm khu vườn này để cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các cháu học sinh được vào đây tham quan, được chạm tay vào lịch sử. Khi các cháu đi tham quan ở bảo tàng chỉ được nhìn nhưng ở đây các cháu được chạm tay vào hiện vật, thậm chí được vỗ tay vào những mảnh bom lớn để từ đó củng cố thêm kiến thức lịch sử đã học được ở nhà trường. Những hiện vật ở đây tái hiện lên khung cảnh đau thương của chiến tranh, giúp thế hệ trẻ cảm nhận được sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông đi trước. Từ đó, với vai trò thế hệ làm chủ đất nước sẽ góp phần bảo vệ nền hoà bình mà ông cha ta đã đánh đổi bằng cả máu xương”.

Cựu binh hải quân dựng vườn ký ức chiến tranh ảnh 2

Anh Quận vẫn thường mắc võng trong khu vườn để thư giãn và suy ngẫm

Anh Quận tự hào kể: “Vừa rồi có một cháu học cấp 2 ở TPHCM về thăm quê, cháu rất rành các loại bom đạn, máy bay, xe tăng… nhờ nghiên cứu trong sách vở và trên mạng xã hội. Cháu nói, ngoài ý nghĩa lịch sử, vườn ký ức chiến tranh này còn một ý nghĩa nữa là nơi giáo dục về an toàn bom mìn cho trẻ em. Ai đã đến đây sẽ có kỹ năng nhận diện bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, nhằm tránh những tai nạn bom mìn thương tâm vẫn đang diễn ra hằng ngày trên đất nước ta”.

Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, ông Hà Xuân Hưng kể: “Những ngày đầu thấy anh Quận vác bom, vác đạn về nhà ai cũng ngạc nhiên, thậm chí là lo sợ. Ai cũng nghĩ anh Quận định buôn bán phế liệu chiến tranh. Khi biết được tâm nguyện của anh Quận, chúng tôi rất ủng hộ. Khu vườn cứ thế dần hình thành, tạo nên một mô hình mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Các cháu học sinh đến đây, không chỉ được học về lịch sử bằng trực quan sinh động, mà còn có thêm kiến thức về bom mìn, để tránh những tai nạn thương tâm không mong muốn”.

Vừa nói chuyện, chốc chốc anh Quận vừa nhận điện thoại gọi đến, chỗ này thông báo vừa mua được một vỏ bom rất to, chỗ kia có mảnh cánh máy bay… Anh nói, họ gọi từ Nghệ An, Phú Yên, rồi cả trên Tây Nguyên nữa, họ đang giúp anh sưu tầm những hiện vật mà khu vườn đang thiếu. “Thời gian tới, tôi còn bổ sung các chủ đề mới như sa bàn đường Hồ Chí Minh năm xưa, hay các chiến khu thu nhỏ để tạo nên sự liên hoàn cho khu vườn. Tôi muốn mọi người chỉ cần đến đây là có thể hình dung, trải nghiệm và sống lại một thời “hoa lửa” của dân tộc. Đây chỉ là khởi đầu, tôi sẽ bổ sung thêm nhiều hiện vật khác và từ những hiện vật đó, chế tác thành những vật dụng có ích phục vụ đời sống hằng ngày” - anh Quận nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.