Cuối năm DN ồ ạt báo lỗ

Cuối năm DN ồ ạt báo lỗ
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là năm 2012 kết thúc, đây là lúc nhiều DN thừa nhận kế hoạch kinh doanh năm nay thất bại nặng nề. Nỗ lực cuối cùng của HĐQT là xin cổ đông thông qua kế hoạch điều chỉnh. Nhưng xem ra đó là cách gỡ gạc thể diện chứ không thể thay đổi kết quả bi đát trong kinh doanh.

Cuối năm DN ồ ạt báo lỗ

> CPI năm 2012 dự báo cao nhất 8,5%
> Doanh nghiệp Việt Top 500 bán giá ...1 USD

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là năm 2012 kết thúc, đây là lúc nhiều DN thừa nhận kế hoạch kinh doanh năm nay thất bại nặng nề. Nỗ lực cuối cùng của HĐQT là xin cổ đông thông qua kế hoạch điều chỉnh. Nhưng xem ra đó là cách gỡ gạc thể diện chứ không thể thay đổi kết quả bi đát trong kinh doanh.

Sắc đỏ bao trùm sàn chứng khoán.
Sắc đỏ trên các sàn chứng khoán.

Từ lãi thành lỗ

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) vừa lấy ý kiến bằng văn bản của đại hội đồng cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012, điều chỉnh lợi nhuận từ lãi 12,49 tỷ đồng (thông qua hồi đầu năm) chuyển thành lỗ 23 tỷ đồng. Trong trường hợp PTC bán được toàn bộ tài sản gắn liền với đất thuê tại khu Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội, số lỗ sẽ còn là 17,48 tỷ đồng.

Thực tế, việc PTC xin điều chỉnh lợi nhuận từ lãi sang lỗ không còn là điều bất ngờ bởi trong quý I và quý 2-2012, PTC đều đã thua lỗ, tương ứng là-3,6 tỷ và 24,2 tỷ đồng.

Trong quý 3-2012, PTC cũng đã thông báo lỗ gần 400 triệu đồng, nâng mức lỗ lũy kế 9 tháng lên hơn 28 tỷ đồng. Việc kiếm được số lợi nhuận đủ bù đắp cho số lỗ trong 3 quý đầu năm là gần như không thể bởi DN này vẫn chưa thoát ra được khỏi khó khăn chung của ngành xây dựng, cho dù PTC là xây dựng chuyên ngành bưu điện.

Nhìn lại 24 quý kể từ quý 4-2006 cho tới nay, kết quả kinh doanh của PTC khá khiêm tốn, với phần nhiều là lỗ và lãi 1-2 tỷ đồng. Hai quý lãi cao nhất cũng chỉ 9,8 tỷ (quý 4-2006) và 8,2 tỷ đồng (quý 3-2011). Dù không bất ngờ với kế hoạch đề xuất điều chỉnh nhưng cổ đông PTC vẫn thất vọng và phản ứng quyết liệt và bác bỏ kế hoạch kinh doanh điều chỉnh.

Tuy nhiên, đến thời điển này, PTC đã không còn là trường hợp hy hữu trên sàn chứng khoán.

Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng đã thống nhất điều chỉnh kế hoạch giảm mạnh so với ban đầu. Theo đó, tổng doanh thu giảm 26% chỉ còn 61,48 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế từ dương 1 tỷ đồng chuyển thành lỗ gần 95 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, PHS đã lỗ ròng 66,5 tỷ đồng (quý 3-2012 lỗ gần 16 tỷ đồng).

Hàng loạt DN công bố phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012 như PDR (giảm 94% kế hoạch lợi nhuận từ 50 tỷ đồng xuống chỉ còn 3 tỷ đồng), PVV (giảm 95% kế hoạch lợi nhuận từ 40 tỷ đồng xuống vỏn vẹn 2 tỷ đồng); TKC (lợi nhuận sau thuế giảm từ 12 tỷ xuống còn 1 tỷ); PV2 (giảm 94% kế hoạch lợi nhuận); DTL (giảm 93%)...

Ở mức độ nhẹ hơn, số lượng DN từ lớn tới nhỏ "xin điều chỉnh" kế hoạch 2012 rất nhiều như: VC5 (giảm 26% kế hoạch lợi nhuận); VCB (30/11 chốt danh sách xin ý kiến); CMS (giảm 50% lãi trước thuế); VNR (giảm 15%); VCF (giảm 16,6%); KTS (giảm 23%); HU3 (giảm 40%); PXS (giảm 43%); VNL (giảm 15%); VC9 (giảm 12%); PSB (giảm 44%); FPT (giảm 15%); APC (giảm 30%)...

Lợi nhuận luôn làm đau đầu các nhà đầu tư
Lợi nhuận luôn làm đau đầu các nhà đầu tư.

Cổ đông chỉ biết kêu trời

Trong 2012, các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn như tồn kho cao, ngân hàng thắt chặt tín dụng, chi phí vốn vẫn cao, các chi phí đầu vào khác không giảm xuống... Cho nên việc thua lỗ không phải là điều quá tệ hại, thậm chí có khi lại là tín hiệu tốt nếu như đó là một quá trình tái cấu trúc, DN chấp nhận thua lỗ trước mắt để thoát ra khỏi đầu tư dàn trải, thoát khỏi phát triển nóng và tình trạng tồn kho lớn...

Tuy nhiên, việc đặt ra kế hoạch cao từ đầu năm, mà qua đó khiến kỳ vọng của giới đầu tư cao, kéo giá cổ phiếu tăng lên và rồi sau đó rơi vào tình trạng thất vọng và thua lỗ nặng nề thì hẳn là một vấn đề đáng bàn.

Trở lại trường hợp PTC, việc đặt ra kế hoạch lợi nhuận 2012 ở mức gần 12,5 tỷ đồng không phải quá cao nếu nhìn vào 2 quý cuối năm 2011, nhưng lại là một kế hoạch ấn tượng nếu nhìn vào lợi nhuận 3 năm gần đây PTC chưa bao giờ vượt qua 2,4 tỷ đồng/năm.

Hơn thế, nhìn vào 24 quý kể từ quý 4-2006 cho tới nay, đa phần kết quả kinh doanh của PTC đều khá khiêm tốn, với phần nhiều là lỗ và lãi 1-2 tỷ đồng. Hai quý lãi cao nhất cũng chỉ 9,8 tỷ (quý 4-2006) và 8,2 tỷ đồng (quý 3-2011) nhưng các quý này đều đi kèm với các quý khác trong năm có thua lỗ.

Một điều đáng chú ý nữa là, doanh thu của PTC đã giảm dần suốt từ năm 2007 cho tới nay, từ mức 554 tỷ đồng xuống còn khoảng 260 tỷ đồng trong năm 2011.

Việc cổ đông PTC, trong tuần qua, bác bỏ kế hoạch kinh doanh 2012 điều chỉnh theo hướng từ lãi thành lỗ, là một động thái cho thấy họ khá tức giận với thực tế kinh doanh hoàn toàn trái ngược với kế hoạch đề ra.

Còn nhớ, giá cổ phiếu PTC đã có một bước tăng giá đáng khâm phục kể từ tháng 2 đến tháng 4-2012 - thời gian trước và sau đại hội cổ đông, mức mức tăng từ khoảng 4.000 đồng/cp lên hơn 18.000 đồng/cp. Giá PTC sau đó giảm dần đều từ nửa sau tháng 4 cho đến nay khi mà kết quả kinh doanh đầy thất vọng của các quý I, II, 3-2012 lần lượt được công bố. Tính tới cuối phiên giao dịch ngày 26-11, giá cổ phiếu PTC giảm xuống còn 4.500 đồng/cp.

Theo một số chuyên gia, việc có thông qua hay không thông qua kế hoạch kinh doanh điều chỉnh không có nhiều ý nghĩa. Rốt cuộc lại vẫn là DN hoạt động kém hiệu quả và giá cổ phiếu sẽ giảm xuống tương ứng. Và người bị ảnh hưởng, có lẽ vẫn là các cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ không nắm được sâu tình hình hoạt động của DN và mua vào khi giá cổ phiếu lên cao.

Các DN năm nay đồng loạt công bố thực trạng lỗ, xin được điều chỉnh rút chỉ tiêu lợi nhuận năm xuống... thay vì đồng loạt báo cáo hoàn thành kế hoạch, vượt kế hoạch (như các năm trước) nhưng sau đó báo cáo kiểm toán/soát xét lại cho thấy một thực tế hoàn toàn trái ngược, thua lỗ hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Tình trạng "chết âm thầm", theo đó có thể sẽ không xảy ra.

Có thể thấy, năm 2012, đa phần các DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, do vậy việc thua lỗ không phải là điều quá tệ hại, thậm chí có khi lại là tín hiệu tốt nếu như đó là một quá trình tái cấu trúc, doanh nghiệp muốn thoát ra khỏi đầu tư dàn trải, thoát khỏi phát triển nóng và tình trạng tồn kho lớn...

Việc chấp nhận không chạy đua che đậy, lấp liếm hoặc cố gắng một cách không bền vững để có thể hoàn thành, đạt, vượt kế hoạch kinh doanh, ở một góc độ nào đó lại là điều tốt. Nó cũng là bài học để các DN vạch ra kế hoạch cho các năm tiếp theo sát với thực tế hơn để giữ được danh tiếng của cổ phiếu trên sàn.

Theo Mạnh Hà
Vef

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG