Ông cụ 90 tuổi Ivan Shamyanok cho rằng bí quyết để ông sống lâu là bởi ông đã không rời khỏi nơi “cha sinh mẹ đẻ”, cho dù đó là một ngôi làng hẻo lánh ở Belarus đã bị nhiễm phóng xạ kể từ sau thảm họa nguyên tử Chernobyl.
Không có gì ở ngôi làng này thay đổi trong suốt 30 năm qua, ngoại trừ một sự thật là ngày càng có ít người sống ở ngôi làng này. Làng Tulgovichi nằm ở ngay vùng tiếp giáp với khu vực phong tỏa rộng hơn 2.500 km2 xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Ngôi làng Tulgovichi mà ông Ivan đang sống nằm ở một vùng rìa tiếp giáp với khu vực phong tỏa rộng hơn 2.500 km2, dù ở đây mức độ ô nhiễm phóng xạ không ở mức quá cao, nhưng người dân vẫn lần lượt rời đi mỗi khi có cơ hội bởi họ lo lắng cho sức khỏe lâu dài. Riêng vợ chồng ông Ivan, ngay từ đầu họ đã luôn khẳng định mình sẽ ở lại.
Dù có những lúc hai ông bà đã được nhà chức trách tạo cơ hội để rời khỏi ngôi làng tới một nơi khác an toàn hơn, nhưng họ đều từ chối và thực tế là chưa bao giờ hai ông bà phải chịu đựng bất cứ bệnh tật nào từ phóng xạ.
“Cho tới lúc này thì mọi chuyện vẫn rất ổn. Bác sĩ vừa tới khám định kỳ cho tôi, bắt tôi nằm trên giường để kiểm tra các chỉ số, ghi chép các con số. Cuối cùng họ nói: Mọi sự vẫn ổn, ông cụ ạ. Chị gái tôi cũng từng sống trong ngôi làng này, nhưng vợ chồng chị ấy đã sớm rời đi, và rồi cũng rất chóng, họ đổ bệnh qua đời…
Nhiều khi chúng ta chết cả vì quá lo lắng nữa đấy. Tôi không lo lắng gì cả. Ngày nào thấy vui, tôi hát một chút, làm vườn nhẹ nhàng, làm mọi thứ thật chậm rãi thôi và tôi vẫn sống cho tới tận hôm nay” - ông Ivan cho biết.
Vào ngày 26/4 này sẽ là tròn 30 năm ngày xảy ra thảm họa Chernobyl - thảm họa nguyên tử tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.
Giờ đây khi vợ ông đã qua đời và các con cũng đã chuyển đi sống ở nơi khác cả, chỉ còn lại ông và một người cháu trai họ hàng là người thân thích ở lại ngôi làng, họ sống ở hai đầu làng và là hai người duy nhất còn ở lại Tulgovichi.
Ông Ivan sống một cuộc đời tĩnh lặng. Mỗi ngày ông thức dậy lúc 6h sáng khi bài quốc ca được phát trên sóng radio tựa như chuông báo thức gọi ông dậy. Sau đó ông nhóm lò để nấu bữa sáng, rồi bắt đầu cho các vật nuôi ăn.
Một cửa hàng bán các nhu yếu phẩm di động trên xe tải sẽ ghé qua ngôi làng một - hai lần một tuần, ông Ivan có thể đặt mua những gì cần thiết. Vào các cuối tuần, cháu gái sẽ ghé qua để cùng ông dùng bữa, giúp ông dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị một chút đồ ăn cho những ngày trong tuần.
Mỗi sáng, ông Ivan thức dậy lúc 6h sáng và bắt đầu một ngày chậm rãi trong ngôi làng vắng lặng.
Một cửa hàng di động ghé qua ngôi làng một - hai lần mỗi tuần, ông Ivan có thể đặt mua những gì cần thiết.
Một góc kỷ niệm của cuộc đời ông Ivan.
Ông Ivan vốn có lối sống ưa tĩnh lặng nên việc ngôi làng giờ chẳng còn lại mấy ai cũng không khiến ông quá phiền lòng.
Cuộc sống của ông rất giản dị, dù đã ở tuổi 90, nhưng ông vẫn tương đối khỏe mạnh khi có thể tự chăm sóc bản thân, thậm chí còn làm vườn, chăm sóc vật nuôi, bí quyết của ông là “sống không lo lắng, sống thật chậm rãi”.
Mỗi tuần một lần, vào cuối tuần, cháu gái của ông sẽ lái xe về thăm ông để cùng dùng bữa, giúp ông dọn nhà và nấu nướng. Vì vậy, mỗi tuần ông lại có một ngày để chuẩn bị đặc biệt hơn đôi chút, để chào đón vị khách thân mến hiếm hoi.
Cuộc sống của ông Ivan khá hoài cổ. Trong ảnh, ông đang nấu nướng trên chiếc bếp lò cũ kỹ của mình.
Bước vào ngôi nhà của ông Ivan, người ta như thấy thời gian ngưng đọng lại.
Những ngôi nhà bị bỏ hoang trong làng giờ đã trở nên xuống cấp, đôi lúc ông đi quanh làng và rẽ vào những ngôi nhà như thế này để ngó nghiêng đôi chút.
Bosy là chú chó trung thành của ông Ivan, cũng là người bạn của ông suốt bao năm nay, đặc biệt kể từ khi bà nhà ông qua đời.
Một ngôi nhà bị bỏ hoang được chủ nhân của nó bảo vệ kỹ càng như thể một ngày nào đó họ sẽ trở về, nhưng ông Ivan tin rằng, sẽ không có ai trở về đây nữa.
Chỉ có ngôi nhà của ông Ivan và người cháu trai họ hàng là vẫn còn có người ở. Trong nhà ông, mọi thứ đều cổ kính như chính con người ông. Có lẽ chính vì yêu lối sống lặng lẽ, hoài niệm mà ông có thể tiếp tục sống vui vẻ ở ngôi làng vắng vẻ này.