Cuộc sống địa ngục của người đồng tính dưới trướng IS

IS hành quyết người bị nghi là đồng tính bằng cách thả từ trên cao xuống. Ảnh: Mirror.
IS hành quyết người bị nghi là đồng tính bằng cách thả từ trên cao xuống. Ảnh: Mirror.
"Tôi thà bị bắn vào đầu còn hơn", một thanh niên nói khi IS tuyên bố chúng sẽ ném anh ta xuống từ trên cao vì anh ta là người đồng tính.

Theo AP, trước một đám đông trên đường ở thành phố Palmyra, Syria, các "thẩm phán" bịt mặt của IS đọc bản án kết tội hai người đàn ông bị nghi là đồng tính luyến ái: Họ sẽ bị ném từ mái nhà của khách sạn Wael ở gần đó.

"Tôi thà bị bắn vào đầu còn hơn", Hawas Mallah 32 tuổi, trả lời một cách bất lực. Người thứ hai, Mohammed Salameh, 21 tuổi, cầu xin một cơ hội ăn năn, hứa sẽ không bao giờ quan hệ tình dục với đàn ông nữa, theo một nhân chứng trong đám đông quan sát vụ việc.

"Giải chúng đi và ném chúng xuống", tên thẩm phán ra lệnh. Những tên cực đoan bịt mặt trói tay hai người đàn ông ra sau lưng và bịt mắt họ. Chúng dẫn họ đến mái nhà của khách sạn 4 tầng.

Khét tiếng vì phương pháp giết người tàn bạo, IS dành những kiểu hành quyết dã man nhất cho những người bị nghi là đồng tính. Có nhiều video cho thấy các chiến binh bịt mặt thả một người đàn ông từ trên cao. Ít nhất 36 người ở Syria và Iraq bị IS giết vì quan hệ đồng tính, theo nhóm hoạt động OutRight Action International tại New York, dù không thể xác nhận chính xác xu hướng tình dục của nạn nhân.

Người thân quay lưng

Nỗi sợ hãi về một cái chết khủng khiếp đè nặng lên những người đồng tính sống dưới sự cai trị IS. Nhiều người Hồi giáo coi đồng tính luyến ái là tội lỗi. Người đồng tính luôn thấp thỏm lo sợ rằng một người nào đó, có lẽ là ngay cả người thân, sẽ phản bội và giao nộp họ cho chiến binh. IS đôi khi tra tấn những người nghi là đồng tính để ép họ khai ra tên bạn mình và tìm kiếm trong máy tính xách tay hoặc điện thoại di động của họ.

Một thanh niên đồng tính Syria lấy tên là Daniel Halaby, 26 tuổi, cho biết thậm chí hai năm sau khi đào thoát sang Thổ Nhĩ Kỳ, anh vẫn mơ thấy ác mộng rằng mình bị ném từ một tòa nhà.

Halaby cho rằng một người bạn từ thời thơ ấu của anh bị cực đoan hóa và tham gia IS đã tố cáo anh với các chiến binh hồi năm 2013, buộc anh phải chạy trốn khỏi thành phố quê nhà Aleppo. "Anh ta biết tất cả mọi thứ về tôi, trong đó có việc tôi là người đồng tính. Tôi chắc chắn rằng anh ta đã tố cáo tôi với IS". Cha mẹ Halaby, những người còn sống tại Aleppo, cũng từ chối giữ liên lạc với anh. 

Subhi Nahas, một người đồng tính Syria 28 tuổi đang sống ở San Francisco, cho biết anh chạy trốn vì sợ cha mình có thể giao nộp anh cho chi nhánh của al-Qaeda, al-Nusra Front, nhóm cũng nhắm mục tiêu vào người đồng tính.

Khi cha Nahas biết anh là người đồng tính, ông gọi đây là nỗi xấu hổ cho gia đình và đánh đập anh ta. "Với những vấn đề giữa tôi và cha tôi, tôi không loại trừ khả năng ông ấy giao nộp tôi", anh nói.

Vì vậy, anh đã bỏ chạy, đầu tiên tới Lebanon, sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh bị một bạn học cũ đã gia nhập IS dọa giết. Lo sợ sẽ không được an toàn ngay cả ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh ta tái định cư hợp pháp tại Mỹ hồi tháng 6.

"Những vụ hành quyết dã man khiến các cá nhân trong cộng đồng LGBT liên tục sợ hãi. Điều đó khiến họ không thể có được cuộc sống bình thường mà nhẽ ra bất cứ ai cũng phải được hưởng", Hossein Alizadeh, điều phối viên của nhóm hoạt động OutRight Action International nói về nhưng người đồng tính và chuyển giới.

Kỳ thị

Sự kỳ thị từ cộng đồng xung quanh càng khiến người đồng tính dễ gặp nguy hiểm hơn.

"Họ đang vi phạm quy định của Thượng Đế và làm điều bị cấm trong đạo Hồi, vì vậy, đây là một sự trừng phạt hợp lý", Hajji Mohammed, một cư dân tại thành trì của IS tại Iraq, Mosul, nói.

Bằng cách sử dụng phương pháp giết người ghê rợn, IS muốn thể hiện rằng chúng chẳng mảy may nao núng khi tiến hành những hành vi cực đoan nhất trong Hồi giáo – đây là một loại "tinh khiết về tư tưởng" mà chúng tự hào rằng làm nên khác biệt giữa chúng với các nhóm chiến binh khác. Hình phạt "sẽ bảo vệ người Hồi giáo khỏi con đường thối nát mà phương Tây đã chọn theo đuổi", IS viết trong tạp chí tiếng Anh trực tuyến của mình, Dabiq.

Theo kinh Koran, đàn ông quan hệ tình dục với nhau phải bị trừng phạt, nhưng trong kinh không nói rõ bằng hình thức nào và bổ sung rằng nếu họ ăn năn, họ sẽ được bỏ qua. Án tử hình cho người đồng tính xuất phát từ Hadith, tài liệu ghi lại lời kể về những phát ngôn của nhà tiên tri Mohammed. Tuy nhiên, những lời kể khác nhau đưa ra phương pháp xử tử khác nhau, một số đưa ra các hình phạt nhẹ hơn.

IS sử dụng hình thức trừng phạt theo một lời kể cho rằng nhà tiên tri đã nói những người đồng tính "phải bị ném từ trên cao, sau đó bị ném đá".

Thực tế, ở các nơi khác, hầu hết giáo sĩ Hồi giáo đều bỏ qua quy định về hình phạt tử hình, ngay cả khi họ quyết liệt lên án đồng tính luyến ái. Trên khắp thế giới Arab, người đồng tính chỉ bị bắt và bị kết án tù về tội liên quan đến "trụy lạc" và đôi khi bị phạt đòn roi ở Iran và Arab Saudi.

Omar, người chứng kiến vụ hành quyết ở Palmyra, cho biết anh vẫn còn run rẩy.

Đầu tiên, IS thông báo om sòm trên loa phóng thanh để yêu cầu nam giới tụ tập, chứng kiến ​​vụ hành quyết. Sau đó, một chiếc xe màu đen đến bên ngoài khách sạn Wael, Mallah và Salamah bị lôi ra.

Người đầu tiên bị ném là Mallah. Anh ta bị trói vào một chiếc ghế nên không thể chống cự. Sau khi rơi xuống, anh ta bị gãy lưng nhưng vẫn cử động được. Một chiến binh bắn vào đầu anh ta.

Tiếp theo là Salameh. Anh này ngã chúi đầu xuống đất và chết ngay lập tức. Tuy nhiên, các chiến binh vẫn ném đá vào thi thể anh ta, Omar kể.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người bỏ trốn Halaby đã xem video những người đồng tính bị hành quyết tàn bạo. "Điều làm tôi đau lòng nhất là tôi cảm thấy bất lực", anh nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG