Cuộc quyết đấu bên miệng vực

Cuộc quyết đấu bên miệng vực
TP - Ít ai có thể hình dung chính phủ của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới phải đóng cửa một phần khiến gần triệu công chức rơi vào tình trạng thất nghiệp tạm thời hơn chục ngày qua.

> Chính phủ đóng cửa, Tổng thống Obama không chơi golf
> Mỹ có thể vỡ nợ vì cuộc chiến ngân sách

Tệ hơn nữa, nếu hai phe Cộng hòa và Dân chủ không thỏa hiệp được với nhau trước thời điểm 17/10, Mỹ sẽ chính thức vỡ nợ.

Cuộc quyết đấu bên miệng vực ảnh 1

Hai cuộc khủng hoảng liên tiếp đã đẩy Mỹ vào tình huống phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín cũng như vị thế quốc gia. Cuộc khủng hoảng kép này không đơn thuần phản ánh những bế tắc về chính trị hay ngân sách mà Mỹ đang phải đối mặt, mà còn hé lộ phần nào nền tảng quyền lực dựa trên truyền thống đấu đá đảng phái chính trị lâu đời ở Mỹ.

Người Mỹ có một niềm tin tuyệt đối vào sự hoàn hảo và ưu việt của hệ thống chính trị tạo nên sức mạnh của siêu cường duy nhất. Đó quả thực là một siêu hệ thống vô cùng phức tạp và nhiều khi chẳng giống ai.

Nó đề cao nhân dân nhưng lại loại trừ nguy cơ tâm lý bầy đàn của đám đông trong các cuộc bầu cử trực tiếp, để chỉ đặt niềm tin vào sự sáng suốt của các đại cử tri giúp lựa chọn ra người lèo lái nước Mỹ.

Hệ thống này cũng thể hiện tính chặt chẽ, chi li đến mức ngay từ bản hiến pháp lập quốc đã quy định mỗi xu chi tiêu trong ngân sách của chính phủ đều buộc phải có sự chuẩn thuận của quốc hội.

Siêu hệ thống này cho phép giám sát quyền lực khá hiệu quả, nhưng mặt khác cũng tạo cho các đối thủ chính trị nhiều cơ hội thoải mái “ngáng chân” nhau. Cuộc chiến ngân sách khiến Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản lần này xoay quanh một ý tưởng cách mạng của Tổng thống Barack Obama, mang tên Obamacare.

Phe Cộng hòa phản ứng dữ dội vì chương trình này đánh thẳng vào nhóm người giàu trong xã hội, nhưng câu chuyện không đơn giản là vấn đề thuế má mà còn mang màu sắc ý thức hệ.

Phe Cộng hòa buộc tội ông Obama và đảng Dân chủ thực thi chính sách có xu hướng dân túy, nhằm chiếm được ủng hộ của dân chúng trong bầu cử quốc hội năm 2014 và bầu cử tổng thống năm 2016.

Các nghị sĩ Cộng hòa khăng khăng cột Obamacare cũng như vấn đề nâng trần nợ công với việc thông qua ngân sách tài khóa 2014, nhằm ngáng trở bằng được sáng kiến trên.

Ông Obama ở thế khó khi đã đánh mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Cộng hòa, trong khi đảng Dân chủ chỉ nắm giữ được Thượng viện. Nếu ông Obama đầu hàng, ngân sách sẽ nhanh chóng được thông qua, chính sách đối nội và đối ngoại của đảng Cộng hòa thắng thế, nhưng bản thân Tổng thống và đảng Dân chủ sẽ đánh mất vị thế chính trị.

Cuộc chiến quyền lực lưỡng đảng đã buộc chính phủ Mỹ phải đóng cửa, đến nay vẫn chưa hề xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào từ cả hai phía trước thời điểm nghiệt ngã 17/10.

Nhưng mọi toan tính chính trị đều có cái giá của nó. Kết quả thăm dò mới đây của NBC News/Wall Street Journal cho thấy có tới 60% người Mỹ được hỏi muốn thay thế toàn bộ lưỡng viện hiện nay.

Tỷ lệ tín nhiệm đối với chính quyền của Tổng thống Obama đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 40 năm qua, với 18% hài lòng. Sự cố chấp và ích kỷ có thể sẽ khiến đảng Cộng hòa ăn trái đắng bởi có tới 70% người được hỏi cho rằng đảng này đang đặt lợi ích cục bộ của họ lên trên cả lợi ích quốc gia.

Thăm dò cũng cho thấy, bà Hillary Clinton nhận được sự ủng hộ vượt trội so với các ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống 2016.

Không chỉ người dân Mỹ mà cả thế giới cũng đang hết sức sốt ruột và lo lắng trước câu chuyện kỳ quái này. Cả Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đã lên tiếng cảnh báo về “thảm họa” đối với nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu, nếu Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Niềm tin vào thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ Mỹ đổ vỡ sẽ gây hậu họa khôn lường. Thị trường tài chính phản ứng tiêu cực, đến ngày 13/10, các nhà đầu tư đã rút 6,4 tỷ USD khỏi nước Mỹ.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời là chủ nợ lớn nhất của Mỹ (nắm giữ 1.277 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ) đang lo ngay ngáy. Tân Hoa Xã vừa lên tiếng chỉ trích Mỹ “đạo đức giả”, lạm dụng vị thế siêu cường, hành xử vì lợi ích riêng. Hãng thông tấn này nhắc lại đề xuất của Trung Quốc về việc xây dựng một đồng tiền dự trữ ngoại hối khác thay thế đồng đô-la, nhằm tránh cho kinh tế thế giới khỏi phụ thuộc vào Mỹ.

Rất có thể trước giờ G, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ đi đến một thỏa hiệp tạm thời nhằm tránh cho nước Mỹ khỏi ác mộng vỡ nợ. Tuy nhiên, cuộc đấu quyền lực sẽ vẫn tiếp diễn vì nó phản ánh thực tế cuộc đấu tranh vì sự tồn tại và lợi ích đảng phái chưa bao giờ ngừng nghỉ ở Mỹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.