Sau khi CLB Hà Nội giành chiếc vé lên chơi ở V.League 2016, HLV Đức Thắng cũng như ban huấn luyện đội bóng tuyên bố rằng sẽ xây dựng, phát triển CLB mang bản sắc của thủ đô. Đội bóng sẽ là đội bóng của người Hà Nội. CLB Hà Nội thời điểm đó cũng được kỳ vọng sẽ từng bước kéo khán giả đến sân nhiều hơn. Thực tế, dù thi đấu ở hạng Nhất nhưng CLB Hà Nội cũng đã có được một lượng CĐV nhất định và nhận được sự chú ý của người hâm mộ.
Tuy nhiên, mới chỉ thi đấu ở V.League 2016 được 4 vòng đấu, CLB Hà Nội đã bất ngờ tuyên bố sẽ đổi tên thành Sài Gòn FC và chuyển trụ sở vào TPHCM. Đội bóng cũng đổi luôn cả logo, trang phục thi đấu và cả khán giả. Theo lý giải của lãnh đạo đội bóng thì sự chuyển đổi này vì sự phát triển lâu dài. CLB Hà Nội buộc phải chuyển đổi hình thức hoạt động để có được sự hợp tác nhiều hơn của các nhà tài trợ. Thực tế, câu chuyện hậu trường về cuộc “di cư” vào Nam đó còn có nhiều mục đích khác không được tiết lộ. Thế nhưng, có thể thấy rõ, Sài Gòn FC đã sống tốt hơn sau khi “chuyển nhà”.
Và để phù hợp với sân chơi V.League, Sài Gòn FC cũng có sự thay đổi lớn về lực lượng. Hàng loạt các ngoại binh được đưa về, thêm vào đó là việc đội bóng cũng thay đổi luôn cả mục đích cống hiến, đó là vì người dân TP.HCM. Bây giờ, Sài Gòn FC cũng đang từng bước xây dựng thành một thế lực V.League, không ai còn thấy bóng dáng của đội bóng Thủ đô năm xưa nữa.
Sau đó, đến lượt TPHCM thăng hạng V.League 2017. Cũng như những đội bóng khác, TPHCM hy vọng sẽ mang đến bản sắc riêng cho TPHCM. Bởi lẽ, TP.HCM lên hạng bằng chủ yếu những cầu thủ nội, do mình đào tạo ra và gắn bó từ thời kỳ đầu. Người dân thành phố cũng coi đây mới là “con đẻ” của mình. Lên chơi V.League, TP.HCM hứa hẹn sẽ khôi phục lại phong trào bóng đá hoàng kim của thành phố. Bởi từ rất lâu rồi, bóng đá chuyên nghiệp nơi đây là một khoảng trống.
Để phù hợp với sân chơi V.League, TPHCM cũng đã có cuộc cách mạng với sự cải tổ toàn diện với sự xuất hiện của quyền Chủ tịch Lê Công Vinh. Cựu tiền đạo xứ Nghệ đã có những cuộc cải tổ mạnh mẽ từ cơ sở vật chất đến con người cũng như văn hóa đội bóng. HLV Lư Đình Tuấn, từ chỗ là công thần đưa đội bóng lên V.League phải lùi xuống làm trợ lý cho HLV Alain Fiard. Hàng loạt các cầu thủ là đồng đội cũ của Công Vinh đã được đưa về sân Thống Nhất. Thậm chí, TP.HCM còn bỏ ra hàng chục tỉ đồng để chiêu mộ những tân binh chất lượng. Những sự thay đổi lớn của đội bóng khiến nhiều người hâm mộ nói rằng họ không còn nhận ra một đội bóng mang màu sắc của TPHCM nữa.
Thế nhưng, CLB muốn phát triển và tồn tại ở sân chơi khắc nghiệt như V.League, đó là điều không thể khác. Điều ghi nhận là Công Vinh vẫn cố gắng dung hòa bằng việc xây dựng văn hóa đội bóng trên tinh thần cầu thị để đưa bóng đá đến gần người hâm mộ TPHCM.
Hôm 15.7, trên sân Thiên Trường, người ta đã chứng kiến sự trở lại V.League đầy cảm xúc của Nam Định. Đã lâu lắm rồi, bóng đá thành Nam mới được mở hội như thế. HLV Nguyễn Văn Sỹ tuyên bố rằng dưới sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh nhà và người hâm mộ, đội bóng sẽ có sự trở lại mạnh mẽ cũng như tìm lại bản sắc của bóng đá thành Nam. Đó cũng là điều mà khán giả kỳ vọng.
Nam Định lên chơi ở V.League cũng sẽ đối mặt với câu chuyện thành tích. Bởi thực tế, người dân Nam Định cũng chỉ đến sân đông khi đội bóng đứng trước ngưỡng cửa thiên đường. Lúc đó V.League là tất cả, thua trận, họ cũng sẽ mất luôn cả khán giả. Thế nên, khi trở lại sân chơi số 1 Việt Nam, nếu không có thành tích, đừng mơ đến những khán đài 2 vạn người như trận đấu vừa qua.
Và để tồn tại ở đấu trường ấy, chắc chắn bóng đá Nam Định sẽ phải cải tổ mạnh mẽ, thậm chí là mang đậm tính thương mại. Điều này có thể không tránh được độ vênh nhất định với bản sắc của đội bóng thành Nam. Đó sẽ là câu chuyện của những người quản lý mang tầm vĩ mô cho đội bóng. Đó là làm sao để Nam Định sẽ trở lại với một diện mạo mới, nhưng vẫn giữ được sức sống của bóng đá thành Nam.