> Chuyện ông Chủ tịch Cựu Thanh niên xung phong
Từ biến cố đến linh cảm?
Điềm đạm ít nói, dường như ông Chủ tịch Cựu Hội TNXP sống nhiều về nội tâm?
Ngày 23/12/1972 đợt tập kích B52 vào Hà Nội và các vùng phụ cận trúng vào nơi sơ tán của gia đình ông Liên. Cô con gái xinh xẻo đầu lòng Nguyễn Thị Anh Liên mà ông lấy tên để làm bí danh cho mình lúc đi B đã chết vì bom Mỹ.
Buổi chiều hôm đó ông Liên đang chuẩn bị cùng đồng đội trong đội võ trang TNXP rời một ngách hang bí mật ở vùng ven Đà Nẵng lên đường làm nhiệm vụ. Thốt nhiên, ông Liên choáng váng xây xẩm mặt mày rồi khuỵu xuống không biết gì nữa.
Chính trong thời gian cấp cứu chạy chữa cho ông mà đồng đội của ông đã thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Một trận bom ác liệt mở đầu cho một trận càn khốc liệt đã cắt đứt đường của đội công tác. Mãi 5 ngày sau ông và anh em mới được giải vây.
Khi đó ông Liên không hề biết cô con gái ông cũng vừa mất vì bom Mỹ nơi tít tắp Hoài Đức ngoài Bắc. Rất lâu sau đó ông mới nhận được hung tin!
Ông Liên bộc bạch, sau biến cố đó, trong người ông gần như có gì trục trặc thay đổi thì phải? Gần như nẩy nở phát lộ một thứ linh cảm mà người ta vẫn nói là giác quan thứ 6?!
…Sau nhiều lần chạy đôn đáo, năm 1997 khi Ban liên lạc Cựu TNXP trung ương do ông phụ trách chính thức có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ xin được báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tình hình bức xúc tồn đọng chính sách đối với cựu TNXP kháng chiến. Công văn gửi đi nhưng quá nửa năm mà vẫn không được hồi âm. Vết thương khiến ông ù tai, mất ngủ triền miên.
Một sáng năm 1997, ông tìm tới địa điểm cuộc họp Ban chấp hành T.Ư Đảng rồi ngồi đợi bên ngoài. Giờ giải lao, ông tiến tới Thủ tướng. Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ngạc nhiên khi nghe ông trình bày có cái công văn gửi đi đã hàng nửa năm như thế... Thủ tướng xúc động và quyết ngay là sẽ bàn với ông trước khi Hội nghị T.Ư họp.
6 giờ sáng 10/6/1997, một cuộc họp chớp nhoáng diễn ra tại phòng họp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải. Ngoài ra còn có ông Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Vũ Trọng Kim - Bí thư thứ nhất
T.Ư Đoàn.
Kết thúc cuộc họp khá chóng vánh này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hoàn toàn chấp nhận những kiến nghị của Ban Liên lạc TNXP về giải quyết chính sách cho cựu TNXP kháng chiến như người có công với nước và vấn đề khen thưởng thành tích kháng chiến đối với cựu TNXP. Đồng thời, Thủ tướng hoan nghênh ý tưởng tiến tới thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam trong đó nhấn mạnh vai trò nhân chứng lịch sử giúp Chính phủ giải quyết chính sách cho Cựu TNXP.
Đau đáu Chăn Nưa
Tháng 12/2006, công tác chuẩn bị cho bầu cử QH khóa XII, trên muốn Hội Cựu TNXP Việt Nam có người ra ứng cử ĐBQH. Lúc này Hội vừa thành lập được 2 năm. Hội giới thiệu ông Chủ tịch Hội nhưng ông Liên thấy mình tuổi đã cao (75) lại nhiều lần vết thương tái phát.
Tặng người đồng hương, nguyên Chủ tịch nước cuốn Lịch sử TNXP. |
Nhưng rồi ông quyết tâm, và ứng cử ở Thanh Hóa!
Trước buổi từ Hà Nội vào Thanh Hóa ra mắt cử tri, ông vừa mổ sỏi thận, phải nằm viện, người xanh xao đi không vững... Đoạn đường vào Thanh cũng không gần. Nhưng vào đến Dốc Xây, địa phận Thanh Hóa, ông thấy người khỏe khoắn hẳn.
Một điều lạ nữa là hai tai ông thường xuyên như có người xay lúa ở trong, nghe rất khó nhiều khi nhức buốt do di chứng mìn trong trận càn năm xưa. Nhưng lần đó không hiểu sao tai ông nghe rất tốt. Kể cả âm sắc địa phương những vùng ông ứng cử người mới tiếp xúc nghe rất khó! Nhờ đó mà ông đã trao đổi đối thoại thẳng thắn cởi mở nhiều vấn đề với cử tri. Ông chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam trúng cử ĐBQH với số phiếu khá cao!
Một tờ báo đã bình luận kiến nghị công nhận nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Chăn Nưa không phải chỉ để giải quyết vấn đề cụ thể mà còn để làm vơi vợi bớt nỗi đau của hàng chục vạn gia đình có công với nước. Vấn đề NTLS Chăn Nưa được đưa lên nghị trường suốt các kỳ họp QH Khóa XII còn là tiếng chuông cảnh tỉnh một bộ phận cán bộ có chức quyền mắc bệnh vô cảm thậm chí còn tư tưởng ban ơn cửa quyền trong việc thực hiện chính sách đối với những người có công với nước! |
Một sự kiện sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít được nhắc tới là kỳ tích làm con đường từ thị xã Lai Châu ra Ma Lù Thàng khai thông với Biên giới Việt Trung dài gần 100 km. Từ tháng 10/1954, hàng ngàn bộ đội đặc biệt là lực lượng TNXP suốt 3 năm trời đã ngày đêm ròng rã bám trụ ăn đói mặc rét chịu đựng nạn sốt rét hành hạ. Gần 100 TNXP đã ngã xuống vì tai nạn vì sốt rét khi thi công con đường chiến lược này. Phần mộ của anh chị em TNXP được đồng đội chôn cất quy tập tại Nghĩa trang xã Chăn Nưa, Lai Châu.
Oái oăm suốt từ bấy đến nay, nghĩa trang Chăn Nưa không được công nhận là nghĩa trang liệt sỹ và có nguy cơ bị lãng quên! Lại nữa, nghĩa trang Chăn Nưa trong quy hoạch là lòng hồ của công trình thủy điện sẽ bị chìm dưới hàng chục thước nước...
Trước thời điểm Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XII khai mạc, ĐB Nguyễn Anh Liên có khách. Đó là một cựu cán bộ TNXP từng tham gia thi công con đường Ma Lù Thàng lặn lội từ Lai Châu xuống Hà Nội đưa cho ông bộ hồ sơ và những tài liệu cần thiết về con đường chiến lược năm xưa cùng nghĩa trang Chăn Nưa.
Ông Liên rất xúc động. Ông đem việc ra bàn với anh em trong Hội. Mọi người góp ý nên cử người lên tận Chăn Nưa điều tra thêm để có thêm chứng cớ thuyết phục...
Kỳ họp thứ nhất của QH khóa XII (năm 2007) tiếng nói của ĐBQH Nguyễn Anh Liên về vấn đề nghĩa trang liệt sỹ Chăn Nưa có vẻ như lọt thỏm trong bao vấn đề bộn bề của nghị trường.
Kỳ họp thứ 2, ông Liên nêu trước QH bằng cách chất vấn thẳng Thủ tướng vấn đề nghĩa trang liệt sỹ Chăn Nưa đang bị quên lãng.
Cả hội trường lặng đi vì xúc động. Thủ tướng chỉ thị cho Bộ LĐ- TB&XH trực tiếp giải quyết vấn đề này.
Sau đó ông nhận được hồi âm, Bộ sẽ trực tiếp làm việc với T.Ư Hội cựu TNXP.
Buổi làm việc diễn ra căng thẳng. Bộ đòi nếu là nghĩa trang liệt sỹ thì phải có hồ sơ liệt sỹ. Bộ còn cho biết một ông thứ trưởng đã trực tiếp lên Chăn Nưa để xác minh và kiểm tra dân thì dân cho biết nghĩa trang này chỉ chôn cất một số người làm đường bị ốm đau bị tai nạn rồi chết chứ không có TNXP nào hy sinh cả! Do đó Bộ chỉ cho kinh phí di dời nghĩa trang này ra khỏi vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, không cho xây dựng theo quy chuẩn một nghĩa trang liệt sỹ!
Kỳ họp sau, sau nữa, ĐB Nguyễn Anh Liên tiếp tục nêu ý kiến trước QH với những lý lẽ sắc bén, những chứng cớ thuyết phục phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc và chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông cho photo bài báo Một con đường, một nghĩa trang và nỗi niềm của vị ĐBQH cao niên suôt 5 kỳ họp cùng những chứng cớ khác gửi cho các ĐBQH và các cơ quan có trách nhiệm.
Kỳ họp thứ 6, vấn đề của ông nêu ra được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời theo cách nguyễn y vân. Chủ tịch Quốc hội đã kết luận, đại ý vấn đề này còn vướng bởi các quy định hiện hành trong các văn bản luật thì phải báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi bổ sung để giải quyết.
Kỳ họp thứ 8, vấn đề ông nêu từ kỳ họp thứ 2 đã được giải quyết. Nghĩa là Bộ LĐ-TB&XH đã công nhận nghĩa trang Chăn Nưa là nghĩa trang liệt sỹ TNXP!
Mỗi năm 2 kỳ họp QH. Vậy là vấn đề ông đeo bám suốt 8 kỳ họp ròng rã 4 năm giời!
(còn nữa)