Nước Mỹ ưu tiên tốc độ
Cách đây ít năm, thông tin tình báo của Mỹ tiết lộ, máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Không-Hải quân Mỹ sẽ là mô hình được xem như con lai giữa B-2 và máy bay tàng hình YF-23, và việc phát triển máy bay này sẽ hoàn thành vào năm 2030 để thay thế F/A-18 sẽ loại biên vào năm 2035. Mới đây, trang Aviation Week dẫn nguồn tin của Tập đoàn Boeing công khai cho biết, thiết kế của dòng máy bay chiến đấu thế hệ 6 theo các yêu cầu của Không lực Mỹ đã hoàn thành, và nó đúng như mô tả của tình báo Mỹ tiết lộ.
Căn cứ vào hình ảnh được công bố cho thấy, máy bay thế hệ 6 của Boeing sử dụng công nghệ khí động học cánh hỗn hợp. Kết cấu này tương tự như cánh bay khi toàn bộ hệ thống cánh được phát triển liền và kéo dài ra từ thân máy bay. Đặc biệt, máy bay mới của Boeing không có kết cấu cánh lái đuôi nhờ khả năng tự ổn định theo phương ngang của kết cấu thân cánh lớn. Thiết kế này cũng giúp giảm bộc lộ tín hiệu quang ảnh và ra-đa của máy bay ở góc nhìn từ bán cầu trước. Dù chưa công bố tiêu chuẩn cụ thể nhưng có điều chắc chắn rằng, máy bay thế hệ 6 của Mỹ phải đạt tốc độ tối đa là Mach 5 (khoảng 6.200 km/giờ) mà không cần sử dụng buồng đốt phụ; áp dụng sâu công nghệ tàng hình và khả năng cơ động tốt trên không; có nhiều tùy chọn đáp ứng khả năng thực hiện đa nhiệm.
Cũng theo nguồn tin trên, các vũ khí tiên tiến nhất như năng lượng định hướng, việc quản lý nhiệt cho những vũ khí này và các cảm biến tiên tiến sẽ là điểm nổi bật khác biệt với các đối thủ và cũng là thách thức cơ bản đối với công tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6. Nguồn tin này cho biết, Lầu Năm Góc đã đưa ra yêu cầu, máy bay thế hệ mới phải được thiết kế với lớp vỏ thông minh; tích hợp các thiết bị cảm ứng và điện tử vào luôn thân máy bay, nhằm giảm tải trọng lượng và lực cản khi máy bay hoạt động. Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Mỹ yêu cầu, những chiếc máy bay thế hệ này phải được thiết kế cho cả hai loại không người lái và có người lái.
Nga sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ 6 từ composite
Cho dù cũng có một số nước đang tham gia các dự án chế tạo thế hệ máy bay chiến đấu mới, nhưng với ưu thế kỹ thuật, cuộc đua chỉ thực sự diễn ra giữa Mỹ và Nga. Ngay từ năm 2013, Nga cũng tuyên bố, nước này đã bắt tay vào việc nghiên cứu phát triển máy bay thế hệ 6. Tuy nhiên thời điểm đó mọi thông tin không được tiết lộ. Hơn một năm sau đó, vào tháng 10-2014, các nhà khoa học Nga lần đầu công bố những ý tưởng về máy bay thế hệ mới. Ông A.Gri-ô-rép (Andrei Grigorev), Tổng giám đốc Quỹ Nghiên cứu Tiềm năng Nga cho biết, các dự án liên quan tới từng phần của máy bay chiến đấu thế 6 hiện đang được nghiên cứu, bắt đầu bằng việc nghiên cứu chế tạo vật liệu và động cơ. Theo tiết lộ của ông A.Gri-ô-rép các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của nước này sẽ được làm từ vật liệu tổng hợp composite siêu bền.
Chỉ tới tháng 3-2016, Phó thủ tướng Nga Đ.Rô-gô-din (Dmitry Rogozin) mới chính thức thông báo, Nga đã bắt đầu phát triển dòng máy bay tiêm kích thế hệ 6. Ông Đ.Rô-gô-din cho biết, thế hệ máy bay này sẽ được phát triển theo hướng cả phiên bản có người lái và không người lái; máy bay chiến đấu thế hệ 6 là máy bay được kết hợp tốc độ siêu thanh, siêu tàng hình, có trí thông minh nhân tạo để làm việc và trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất bao gồm cả vũ khí điện từ siêu cao tần được tạo nên bởi định hướng xung điện từ, chúng có khả năng bắn ra ở khoảng cách lớn từ hệ thống kỹ thuật vô tuyến, có khả năng làm vô hiệu hóa hoàn toàn thiết bị điện tử của đối phương và khắc chế đầu đạn của đối phương.
Và cũng chỉ sau khi tuyên bố bắt đầu phát triển máy bay thế hệ 6 khoảng 4 tháng, hiện Nga đã bắt đầu thử nghiệm thiết bị của máy bay thế hệ mới này. Hãng tin TASS dẫn báo cáo của đại diện lãnh đạo Ban Phát triển hàng không quân sự thuộc Tập đoàn Chế tạo máy bay hợp nhất (UAC) Nga, ông V.Mi-khai-lốp (Vladimir Mikhailov) cho biết, Nga đã bắt đầu thử nghiệm thiết bị của máy bay thế hệ 6 trên tiêm kích T-50 từ tháng 7-2016. Theo kế hoạch, nguyên mẫu của loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ có chuyến bay đầu tiên trước năm 2025.
Nước Nga có vẻ như đang đi nhanh hơn Mỹ trong thực lực chế tạo dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới. Lãnh đạo UAC cũng xác nhận, toàn bộ phác thảo về mục đích kỹ-chiến thuật của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 đã được xác định. Cụ thể, máy bay thế hệ mới sẽ có thiết kế một chỗ ngồi, siêu cơ động, đa chức năng và áp dụng siêu vật liệu. Ngoài ra, máy bay chiến đấu thế hệ mới cũng có khả năng điều khiển từ xa như các tổ hợp máy bay không người lái hiện nay. Ông này cũng cho biết thêm, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Nga có thể được tích hợp các dòng tên lửa siêu thanh tầm bắn siêu xa. Hiện tại, quá trình thiết kế và phát triển máy bay chiến đấu mới đang diễn ra đúng kế hoạch.
Trong khi đó, Tư lệnh Các lực lượng không quân và vũ trụ Nga, tướng V.Bon-đa-rép (Viktor Bondarev) tiết lộ, mẫu máy bay PAK-DA thế hệ 6 của Nga có thể dễ dàng bay với vận tốc Mach 5 và trang bị vũ khí Mỹ không có. Máy bay chiến đấu thế hệ 6 sẽ có đặc tính chiến đấu kiểu bầy đàn trong đó chỉ có 1 hoặc 2 máy bay có phi công, những chiếc còn lại sẽ là máy bay chiến đấu không người lái (UAV). Đồng thời sẽ có thiết kế cánh tiên tiến khả năng vô hiệu hóa ra-đa của đối phương, chiếc máy bay sẽ có tốc độ cận âm và được dự kiến sẽ trở thành ứng cử viên xuất sắc nhất thay thế cho đội phi cơ ném bom chiến lược thay vì là máy bay tiêm kích chiến đấu. Mặc dù PAK-DA là mẫu máy bay ném bom chiến lược nhưng nó sẽ được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử tiên tiến nhất và có thể mang theo tên lửa hành trình tầm xa có đầu đạn hạt nhân hay có thể mang theo rất nhiều loại vũ khí tấn công chính xác có thể điều khiển khác (bom dẫn đường bằng laser, tên lửa dẫn đường…). Trái ngược với quan điểm của Mỹ khi tập trung phát triển các mẫu máy bay siêu thanh (các dự án X-51, Falcon HTV-2), PAK-DA không phải là một chiếc máy bay có tốc độ siêu âm nhưng nó lại có thể mang tên lửa siêu âm.
Nhật Bản, Ấn Độ... không chịu thua kém
Cách đây ít năm Ấn Độ cũng đã đưa ra khái niệm nghiên cứu phát triển máy bay thế hệ thứ 6. Tờ Thời báo Tài chính của Đức cho biết, Ấn Độ cũng đã nghĩ tới việc phát triển một loại máy bay chiến đấu kiểu mới có tốc độ tối đa có thể đạt 5 lần tốc độ âm thanh, độ cao có thể đạt 100km, tức là tiếp cận bên ngoài bầu khí quyển. Như vậy, máy bay chiến đấu tiên tiến này của Ấn Độ trên thực tế là một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 6 do Nhật Bản nghiên cứu chế tạo cũng được cho là khả thi khi nước này theo đuổi áp dụng công nghệ buồng lái tiên tiến và “bắn đám mây”, ý tưởng tương tự “điện toán đám mây”, sử dụng hệ thống liên kết dữ liệu tiên tiến, dùng tốp máy bay như “đám mây”, thông qua các phương thức như chia sẻ thông tin, tạo thành một nhóm phát động tấn công có hiệu quả nhất. Điều này có thể làm cho phạm vi tấn công của máy bay chiến đấu được mở rộng rất lớn, đồng thời tăng thêm cơ hội “đánh đòn phủ đầu”, giảm tiêu hao đạn dược.