'Cuộc chiến' pháp lý condotel giữa các bộ, ngành

Cuộc chiến pháp lý giữa các bộ về condotel diễn ra căng thẳng
Cuộc chiến pháp lý giữa các bộ về condotel diễn ra căng thẳng
TP - Condotel (căn hộ khách sạn) tồn tại với pháp lý chưa rõ ràng rất nhiều năm qua, đến nay chưa được giải quyết. Trong khi Bộ Công an, Công Thương cảnh báo về tính pháp lý condotel, thì Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Bộ Xây dựng vẫn có những văn bản “mập mờ” hướng dẫn cho sự phát triển loại hình bất động sản này.

Phản đối biến condotel thành nhà ở

Mới đây, tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an còn chỉ ra thực trạng, hiện nay, một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa- Vũng Tàu đang chuyển đổi mục đích sử dụng đất xây condotel, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel cho người mua, dần hợp thức hóa các condotel. Theo Bộ Công an, việc chuyển đổi này sẽ gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Bộ Công an cho rằng, trước mắt không phát triển thêm dự án condotel, biệt thự du lịch, không hợp thức các dự án officetel, biệt thự du lịch, officetel thành nhà ở.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đưa ra khuyến cáo, khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ căn hộ condotel sang căn hộ chung cư, chủ đầu tư chỉ được giao kết hợp đồng mua bán với khách hàng khi đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, thời gian vừa qua cơ quan này nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của khách hàng mua căn hộ chung cư condotel (không hình thành đơn vị ở).

Theo phản ánh của khách hàng và các hợp đồng được cung cấp cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, mục đích của việc ký kết hợp đồng mua bán căn hộ là đưa căn hộ tham gia vào chương trình cho thuê thông qua ký hợp đồng hợp tác cho thuê căn hộ với bên bán.

Do đó, khách hàng mua căn hộ trong trường hợp này không phải là người tiêu dùng và không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo chủ đầu tư chỉ được giao kết hợp đồng mua bán nhà chung cư với khách hàng khi đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về nhà chung cư (bao gồm cả hồ sơ pháp lý) cho khách hàng trước khi giao kết hợp đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư không được quyền áp đặt, ép buộc khách hàng mua bán căn hộ chung cư khi chưa đạt được thỏa thuận, thống nhất với khách hàng. Việc mua bán phải thực hiện trên cơ sở thương lượng, thiện chí của hai bên....

Vẽ đường cho hươu chạy

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng không cấm việc chuyển condotel thành nhà ở nhưng hiện tại, pháp luật về nhà ở không quy định việc chuyển đổi công năng công trình thương mại, dịch vụ nói chung, căn hộ du lịch nói riêng sang nhà ở. Vì vậy, chủ các dự án có nhu cầu chuyển đổi căn hộ du lịch, biệt thự du lịch sang nhà ở cần được xem xét thận trọng, thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Theo ông Sinh, condotel vẫn đang được kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản nhưng nó không phải là sản phẩm nhà ở, sẽ không có nội dung bảo lãnh bán sản phẩm đó hình thành trong tương lai. Condotel nếu đủ điều kiện vẫn được bán bình thường.

“Bộ Xây dựng đang rà soát Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu khuyến khích phát triển condotel minh bạch sẽ phải sửa đổi, bổ sung luật này. Luật pháp đi sau thực tế là đương nhiên”, ông Sinh nói.

Trước đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương cũng như các chủ đầu tư phải minh bạch hóa thông tin về tình hình triển khai của dự án condotel, các cam kết lợi nhuận, hình thức chia sẻ lợi nhuận… trong quá trình thực hiện quản lý vận hành để các nhà đầu tư thứ cấp nắm được.

Còn tại văn bản 703 (ngày 14/2/2020) gửi tới sở TN-MT các tỉnh, thành phố, Bộ TN-MT nêu rõ, trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản thì chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho bên nhận chuyển nhượng. Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, sẽ cấp sổ đỏ cho các dự án có condotel được giao, cho thuê đất đúng theo quy định, xây dựng đúng quy hoạch, thiết kế… Trường hợp giao đất là nhà ở không hình thành đơn vị ở tiếp tục phải rà soát lại. Ông cũng cho biết, “văn bản của Tổng cục Quản lý đất đai là để hướng dẫn các địa phương dựa trên những quy định đã có trong các luật” và văn bản gửi đi “chỉ là văn bản hướng dẫn, chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật”.

Trong khi đó, Bộ Công an cho biết, hiện nay, nhiều bộ cho rằng, đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý loại hình căn hộ condotel, biệt thự du lịch, officetel. Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư xây dựng, quản lý loại hình bất động sản trên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các văn bản pháp luật hiện chưa giải quyết được.

“Trường hợp cấp sổ đỏ cho từng người mua trong dự án sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong quản lý vận hành tòa nhà, quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh căn hộ…”, Bộ Công an chỉ rõ.

“Trường hợp cấp sổ đỏ cho từng căn hộ sẽ phát sinh việc thế chấp quyền sở hữu tài sản để vay vốn tại các ngân hàng khác nhau. Như vậy sẽ có tình trạng một tài sản được sử dụng làm tài sản đảm bảo nhiều lần để thế chấp ở nhiều ngân hàng”, Bộ Công an nhận định.

Ngoài ra, theo Bộ Công an, văn bản 703 của Bộ TNMT chưa đề cập việc xác định chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và việc cấp sổ đỏ đối với loại hình officetel.

Ủng hộ quan điểm của Bộ Công an

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội  Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, ông ủng hộ quan điểm của Bộ Công an về việc không hợp thức hóa condotel thành nhà ở. Theo ông Châu, việc điều chỉnh từ condotel sang nhà ở không chỉ là điều chỉnh cơ cấu sản phẩm mà còn liên quan đến cả việc điều chỉnh quy hoạch.

Ông Châu phân tích: Condotel là một sản phẩm nằm trong khu du lịch nghỉ dưỡng, được xây dựng trên đất có chức năng sản xuất kinh doanh dịch vụ chứ không có chức năng đất ở. Đất trong khu vực quy hoạch phát triển du lịch nghỉ dưỡng chỉ có quyền sử dụng phổ biến 50 năm, tối đa 70 năm. “Đất du lịch mà nhồi nhét một khu dân cư vào sẽ làm biến dạng và làm giảm đi giá trị, sự hấp dẫn đầu tư phát triển du lịch. Điều chỉnh quy hoạch từ condotel sang căn hộ chung cư mà không có căn cứ khoa học và thực tiễn là bóp méo quy hoạch, là tai họa về quy hoạch”, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Ông Châu cũng cho rằng nhà nước không nên chỉ vì giải quyết khó khăn trước mắt của chủ đầu tư mà điều chỉnh quy hoạch.Ông cũng nhấn mạnh Nhà nước tuyệt đối không nên dùng ngân sách, chính sách để giải cứu một bộ phận doanh nghiệp cá biệt gặp khó vì làm sai lệch mô hình condotel. “Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm với kết quả làm ăn lãi lỗ của mình mới hình thành một thị trường bình thường và lành mạnh được”, Chủ tịch HoREA nói.

Theo số liệu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có 82.902 condotel, 28.099 biệt thự du lịch, 12.617 phòng khách sạn, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TPHCM, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ðà Nẵng, Kiên Giang... Ngoài ra, Hà Nội và TP HCM hiện có hơn 10.000 căn officetel.

Phân khúc bất động sản này cuối năm 2019 đón cú sốc lớn khi chủ đầu tư một dự án ở Ðà Nẵng chấm dứt trả lợi nhuận cam kết 12% với người mua vì khó khăn tài chính. Trước đó, một dự án condotel khác tại Nha Trang là Bavico từng phải đàm phán để giảm mức cam kết lợi nhuận từ 15% một năm xuống còn 8%. Tuy nhiên, sau đó, việc chi trả của chủ đầu tư này cũng không được thực hiện. Thực tế này dấy lên nghi ngại sẽ xảy ra “cơn khủng hoảng condotel”.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.